TS. Lê Đình Bảo, Nhà sáng lập TASC: Mong muốn đóng góp nhiều hơn cho y học nước nhà
Doanh nhân Việt kiều, bác sĩ – TS. Lê Đình Bảo (David Le) mong muốn phát triển chuyên ngành y học đặc thù tại Việt Nam bằng kiến thức được đào tạo bài bản tại Mỹ, góp phần thúc đẩy nền y tế nước nhà và lan tỏa tinh thần “vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”.
Lê Đình Bảo (bên phải) nhận Bằng Tiến sĩ tại Mỹ. |
1.
Buổi sáng đầu tuần, theo lời hẹn, tôi tới Phòng khám TASC (The American Spine Clinic) của bác sĩ – TS. Lê Đình Bảo trên đường Nguyễn Khuyến (Hà Đông, Hà Nội). Ấn tượng đầu tiên của tôi về phòng khám là khoảng sân rộng ngập tràn màu xanh của cây cối, những thiết kế tiểu cảnh xinh xắn khiến không gian trở nên sinh động và mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc, mang tính chất gia đình hơn là một cơ sở khám chữa bệnh.
Bác sĩ Bảo có khuôn mặt đôn hậu, mang cặp kính dày. Anh niềm nở bắt tay và đưa tôi đi thăm phòng khám.
Về quy mô, TASC không bề thế khiến người ta phải choáng ngợp từ cái nhìn ban đầu, nhưng về chuyên môn và nhất là hệ thống máy móc chuyên dụng, thì hiếm cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nào được đầu tư bài bản như vậy. “Đối với phương pháp Chiropractic (trị liệu thần kinh cột sống), việc sử dụng các thiết bị tối tân sẽ giúp chẩn đoán bệnh chính xác, từ đó đưa ra lộ trình điều trị nhanh và tốt nhất”, bác sĩ Bảo giải thích.
Ra đời năm 2018, TASC là phòng khám đầu tiên tại Việt Nam chuyên điều trị các bệnh cơ xương khớp – thần kinh cột sống không dùng thuốc. Gọi là đầu tiên, bởi khi đó, Chiropractic là phương pháp điều trị rất mới tại Việt Nam và đến nay vẫn chưa có chuyên ngành đào tạo tại các trường y khoa… Palmer College of Chiropractic – trường đại học danh tiếng của Mỹ, nơi bác sĩ Lê Đình Bảo bảo vệ thành công luận án tiến sỹ – là ngôi trường đầu tiên trên thế giới đào tạo chuyên ngành thần kinh cột sống.
– Bác sĩ Lê Đình Bảo
Trong 5 năm qua, bác sĩ Lê Đình Bảo đã trực tiếp điều trị và nắn chỉnh cho bệnh nhân, xử lý dứt điểm những cơn đau cho hàng ngàn người mắc bệnh về xương, khớp, cột sống. Ở TASC, có một điều khá “lạ” là, dù danh sách bệnh nhân đăng ký thăm khám rất dài, nhưng bác sĩ Bảo vẫn quyết định cho phòng khám nghỉ 2 ngày/tuần, vào 2 ngày đầu tuần. Phải chăng, đó là một “bí quyết” nghề nghiệp?
Chưa vội giải đáp thắc mắc của tôi, bác sĩ Bảo lấy ra một số mô hình xương, khớp và mô tả ngắn gọn, dễ hiểu nhất về cấu trúc xương, chức năng của hệ xương trong cơ thể và cả những thói quen tai hại khiến các vấn đề về xương khớp trở thành một căn bệnh rất nhiều người mắc phải…
“Trong 9 năm học chuyên ngành, chúng tôi phải học 1.000 giờ về giải phẫu cột sống, trong khi các chuyên ngành khác chỉ học 8 – 10 giờ. Điều này có nghĩa là, khối lượng kiến thức cơ bản đáp ứng cho quá trình hành nghề lâu dài, chứ không phải chỉ trong một giai đoạn nào đó. Bởi vậy, không thể vắt kiệt sức mình, nhất là đối với nghề y, chạy theo đồng tiền, bị đồng tiền chi phối là điều tối kỵ”, anh chia sẻ.
Dường như ký ức ùa về, bác sĩ Bảo trầm ngâm hồi lâu, rồi anh nói: “Người Mỹ có một câu khiến tôi rất thích, đó là ‘không nên học vì tiền, mà nên học cái mình yêu thích, vì như thế mới có thể phát minh và nâng tầm lĩnh vực của mình vươn lên một đẳng cấp mới’. Về nguyên lý, khi con người ta ở một tầm cao nhất định, thì vấn đề mưu sinh không phải lo lắng nữa, còn nếu coi tiền là mục đích, thì khả năng phát triển sẽ bị hạn chế rất nhiều, cũng khó để giỏi trong nghề của mình…”.
Nói về chuyên môn sôi nổi bao nhiêu, thì về cá nhân, bác sĩ Bảo lại kiệm lời bấy nhiêu. Tôi phải gặng hỏi từng chút một, thì anh mới “chịu” kể về mình…
Lê Đình Bảo định cư tại Mỹ từ nhỏ. Những thành tích học tập của anh không chỉ là niềm tự hào của gia đình, mà còn là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt ở bang Florida, nơi anh sống.
Năm 2001, Lê Đình Bảo là người Việt Nam duy nhất trong số 20 học sinh xuất sắc nhất của bang Florida được nhận bằng khen của Tổng thống Mỹ Bush. Năm đó, Bảo cũng là người Việt Nam duy nhất thi đậu chuyên khoa thần kinh cột sống tại Đại học Valencia College (Florida, Mỹ). Sau khi tốt nghiệp đại học, anh tiếp tục học cao học và nghiên cứu sinh tại Trường Palmer College of Chiropractic.
Trước đó, Bảo được ba của mình định hướng theo học ngành dược – ngành kiếm rất nhiều tiền ở Mỹ, song tính chất công việc chủ yếu làm trong các phòng thí nghiệm và xưởng sản xuất, ít có sự tương tác. Anh quyết định theo học ngành y và chọn học đa khoa vì yêu thích ngành này.
Nhưng, đúng vào thời điểm chuẩn bị thi đại học, thì một vụ đụng xe nhẹ khiến Bảo phải vào viện điều trị. Thế rồi, anh quyết định thi vào ngành thần kinh cột sống, bởi cảm thấy phù hợp với mình hơn.
“Ở Mỹ, khi tốt nghiệp trung học, muốn thi vào ngành y phải đạt điểm từ khá trở lên. Thế nhưng, điểm vẫn chưa phải là tất cả. Thí sinh còn phải qua phỏng vấn bắt buộc khi dự tuyển, nếu không hiểu về ngành y hoặc nhìn nhận vấn đề sai lệch, cũng sẽ bị trượt”, bác sĩ Bảo chia sẻ.
2.
Sau khi nhận bằng tiến sĩ vào năm 2010, Lê Đình Bảo làm việc tại Mỹ. Năm 2016, anh về Việt Nam thăm nhà và kết hợp một số công việc. Đặt chân tới Thủ đô Hà Nội sau rất nhiều năm xa quê, anh thấy cái gì cũng lạ. Tất cả đều khác xa so với những gì anh được nghe kể trước đó.
“Nhiều người Việt ở Florida nói với tôi về sự ‘khắc nghiệt’ của Hà Nội đối với start-up. Họ bảo, Việt kiều khởi nghiệp ở Hà Nội sẽ không bao giờ thành công, bởi đặc tính của người miền Bắc nói chung là rất thận trọng trong mọi việc. Do đó, khởi nghiệp hoặc đầu tư bất cứ lĩnh vực gì ở Hà Nội cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với ở TP.HCM…”, Bảo kể.
Đối với người có sở thích “chinh phục” cái khó như Bảo, thì những thông tin về sự khó khăn của môi trường khởi nghiệp lại càng khiến anh hào hứng hơn. Đúng thời điểm đó, một cơ sở khám chữa bệnh xương khớp là chỗ thân quen với ba của Bảo mời anh cộng tác làm việc.
“Vàng thật không sợ lửa, mình có chuyên môn thực sự, có quan điểm y đức rõ ràng, vậy cứ thử xem sao”, Bảo nghĩ và quyết định ở lại Hà Nội.
Trong 2 năm làm việc tại phòng khám, bác sĩ Lê Đình Bảo đã chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân, trong đó có nhiều ca phức tạp, người bệnh đã “vái nhiều phương” mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Họ nói với Bảo: “Nếu bác sĩ không mở phòng trị bệnh, sẽ là thiệt thòi lớn cho nhiều người bệnh”.
Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, năm 2018, TASC cơ sở 1 ra đời và nhanh chóng đạt được nhiều thành công. Sau đại dịch Covid-19, bác sĩ Lê Đình Bảo tiếp tục mở TASC cơ sở 2 tại phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội). Anh trực tiếp điều trị và nắn chỉnh cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, phòng khám còn có các cộng sự chuyên về điện xung, kéo dãn, gập dãn để xử lý các vấn đề về xương, đĩa đệm…
Trong hành nghề, bác sĩ Bảo có quan điểm rất rõ ràng, đó là chữa trị một cách tốt nhất để bệnh nhân không phải quay lại gặp bác sỹ thêm một lần nào nữa. Anh cũng không chú trọng “bề nổi” hào nhoáng bên ngoài, mà tập trung tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng chuyên môn và thiết bị, máy móc, đảm bảo khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo nhìn nhận của bác sĩ Bảo, nhiều cơ sở khám chữa bệnh có mức phí rất cao, nhưng chưa hẳn đi cùng với chất lượng, mà có thể do phải thuê mặt bằng với giá cao, phải đầu tư chi phí quảng cáo… và bệnh nhân sẽ là người phải gánh những chi phí này…
Ở TASC, dù cơ sở vật chất có thể không hoành tráng, nhưng sự gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp thì khó nơi nào sánh được. Cảm giác dễ chịu, thoải mái như trong chính ngôi nhà của mình là cảm nhận của nhiều người khi tới TASC thăm khám. Điều quan trọng hơn, TASC không tạo ra khoảng cách giữa người bệnh, tất cả bệnh nhân đến với phòng khám đều bình đẳng.
Có một thực tế khiến bác sĩ Lê Đình Bảo rất bức xúc, đó là rất nhiều cơ sở khám xương, khớp, cột sống (không rõ có được cơ quan chức năng cấp phép hay không) đang dùng những chiêu thức quảng cáo sai về chuyên môn để đánh vào tâm lý người bệnh.
“Chúng ta thấy họ bẻ người, vặn mình để tạo ra những tiếng kêu răng rắc nhằm tạo ra cảm giác sảng khoái tức thời cho người bệnh, nhưng có thực sự hiệu quả cho khớp xương, đốt xương cần điều trị hay không, thì chỉ có những người có chuyên môn mới biết”, anh dẫn chứng.
Đặc biệt, bác sĩ Bảo cho biết, với xương khớp, nếu chữa trị sai cách, thì sẽ bị nặng hơn rất nhiều và rất khó hồi phục. “Chúng tôi phải học giải phẫu cột sống lên đến 1.000 giờ, rồi thực hành trên hàng ngàn bộ xương người, trong khi những phòng khám rất tù mù về chuyên môn vẫn mọc lên như nấm. Đây là điều rất khó chấp nhận”, bác sĩ Bảo bày tỏ.
3.
Trở lại câu chuyện khởi nghiệp, bác sĩ Bảo cho rằng, định hướng nghề nghiệp tương lai là rất quan trọng, nhưng định hướng hoàn toàn khác với áp đặt. Anh chia sẻ, khi sang Mỹ, từ lúc học lớp 5, anh đã cảm nhận được sự khác biệt trong định hướng nghề nghiệp. Một đứa trẻ dù kết quả học tập không tốt, nhưng vẫn được hướng theo ngành mà trẻ yêu thích và được khích lệ để đạt được ước mơ.
“Có thể năng lực của bạn không đủ để trở thành một luật sư, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể trở thành một trợ lý cho luật sư hoặc văn phòng luật. Tôi cho rằng, trong cuộc sống, không gì hạnh phúc hơn là khi ta học và làm đúng với nghề của mình, bởi vậy, hãy nuôi dưỡng và nếu có thể, hãy chắp cánh cho ước mơ đó”, bác sĩ Bảo nói.
Chia sẻ về định hướng trong tương lai, bác sĩ Bảo mong muốn phát triển chuyên ngành y học đặc thù tại Việt Nam bằng kiến thức được đào tạo bài bản tại Mỹ, góp phần thúc đẩy nền y tế nước nhà. Tuy nhiên, hiện chưa có chuyên ngành đào tạo thần kinh cột sống tại các trường y khoa, nên anh cũng chưa có điều kiện để đóng góp nhiều hơn. Trước mắt, TASC vẫn tiếp tục nỗ lực để góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn.
“Tôi rất thích một câu nói của Đức Đà Lai Lạt Ma 14Tenzin Gyatso: “Nếu có thể, hãy giúp người khác, còn nếu không thể, thì cũng đừng làm hại ai”, bác sĩ Lê Đình Bảo tâm niệm.