Ngày 21-11, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM phối hợp Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Công an TP HCM, Hội bảo vệ Quyền trẻ em và Công đoàn Viên chức TP HCM tổ chức tọa đàm, chủ đề “Thực trạng và giải pháp công tác cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt”.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM, cho biết tọa đàm nhằm thảo luận và tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ nhóm trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn trong việc hoàn tất các giấy tờ tùy thân, đảm bảo quyền lợi pháp lý và tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Đồng thời, mở ra những hướng đi mới và các giải pháp cụ thể, thể hiện quyết tâm của chính quyền thành phố và các tổ chức xã hội trong việc cải thiện cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu tập trung phân tích thực trạng và những khó khăn cụ thể trong công tác cấp giấy tờ cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt
TS Lê Văn Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP HCM, trình bày kết quả khảo sát tại 41 cơ sở xã hội ngoài công lập cho thấy nguyên nhân phổ biến không thể làm giấy tờ tùy thân cho trẻ là vì nhiều em không có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh.
TP HCM có 444 trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương.
Đến nay, còn 27 trường hợp tại 8 quận, huyện chưa được cấp giấy khai sinh. Điều này cho thấy sự nỗ lực và thành tựu bước đầu của TP HCM trong việc cấp giấy tờ cho các trẻ.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM, cho biết chuyện bảo vệ trẻ em dù ở giai đoạn hay lĩnh vực nào cũng rất quan trọng, nhưng vấn đề pháp lý, giấy tờ tùy thân là cái gốc để bảo vệ quyền trẻ em.
Ông Nghinh chỉ ra nguyên nhân dẫn đến các cơ quan còn gặp khó trong việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em là do sự thiếu chủ động của chính gia đình, một số cơ sở trợ giúp trẻ em và địa phương trong việc làm giấy tờ, thủ tục hành chính; tính phức tạp của nhiều trường hợp từ thời ông, bà đã không có giấy tờ tùy thân.
Ông Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP HCM đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, xử lý triệt để các trường hợp chưa được giải quyết, đảm bảo phối hợp chặt chẽ và hành động nhanh chóng để tránh tồn đọng hồ sơ.
“Với các trường hợp nào đặc biệt khó khăn còn chưa giải quyết được thì các đơn vị phải cùng ngồi lại với nhau, bàn thảo giải pháp và gỡ từng bước với mục đích cuối cùng để cho các em được có giấy tờ”- ông Dương nói.