Tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp nhà nước

Sáng 23-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) thảo luận tổ về dự Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Không can thiệp bằng biện pháp hành chính

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hai dự luật này rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay của đất nước ta.

Với dự Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN, Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động DN nhà nước (NN) phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Vì thế, khi sửa đổi luật này, Chính phủ đề xuất kế hoạch kinh doanh giao cho hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm. Việc này giúp DN tự chịu trách nhiệm về nguồn lực và các quyết định đầu tư kinh doanh, phát huy hiệu quả nguồn vốn của tập đoàn, DNNN. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ phát huy vai trò định hướng và áp dụng công cụ kiểm tra, kiểm soát để chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các quyết định kinh doanh của DN.

Theo người đứng đầu Chính phủ, HĐQT có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Để làm được điều này, công cụ pháp luật phải rõ để cán bộ sáng tạo, quyết tâm làm, không sợ. Thủ tướng đề nghị luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền, quy định rõ cái gì được làm, không được làm. Theo Thủ tướng, vốn của tập đoàn, DN đầu tư vào đâu thì HĐQT quyết định và chịu trách nhiệm, chứ không phải đi xin “lòng vòng”.

Đồng tình việc khi đánh giá DN cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một, Thủ tướng nêu ví dụ trong 10 việc được giao, có thể 7-8 việc đúng, 1-2 việc làm chưa tốt, thua lỗ nhưng “tổng thể vẫn dương” là bảo toàn, phát triển vốn. Thủ tướng cũng dẫn chứng DN tư nhân làm rất nhanh và đúng dù họ không đấu thầu. “Mối quan hệ kinh tế dân sự họ xử lý rất hay. Còn chúng ta cứ cái gì cũng đấu thầu cả nhưng cuối cùng “quân xanh”, “quân đỏ”, cứ kỷ luật liên tục. Chúng ta phải rút ra quy luật này” – người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

ĐB Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Agribank, nói nếu đi vào quản lý từng hành vi của DN, sẽ dẫn đến việc cán bộ chỉ sợ sai, sợ trách nhiệm. “Hiện nay, cơ chế quản lý DNNN giống như một “chiếc áo quá chật” không phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển. Việc này dẫn đến mất quyền chủ động, khả năng cạnh tranh kém. Trong khi đó, sai phạm tại DNNN vẫn xảy ra, lãnh đạo bị xử lý và tiền vẫn mất” – ĐB Ấn nói.

Cũng theo ĐB Ấn, dự thảo vẫn thiếu những cơ chế để DNNN phát huy vai trò đầu tàu, tiên phong, dám nắm bắt cơ hội, dám đầu tư vào các lĩnh vực mà tư nhân không dám làm. Ông đề nghị cần một cách tiếp cận mới là chuyển từ quản lý hành vi cụ thể sang đánh giá mục tiêu tổng thể như lưu ý của Thủ tướng. Ví dụ, một số quyết định kinh doanh có thể mắc sai lầm nhỏ nhưng nếu tổng thể DN đạt được chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra thì không nên truy cứu trách nhiệm cá nhân quá mức.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cũng mong muốn luật có những quy định nhằm tạo điều kiện cho DN chủ động hơn, tự tin hơn trong sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, giảm các thủ tục rườm rà không cần thiết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi thảo luận tổ, ngày 23-11Ảnh: VĂN DUẨN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi thảo luận tổ, ngày 23-11Ảnh: VĂN DUẨN

Mở rộng không gian sáng tạo

Theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thuận lợi cho ngành công nghiệp công nghệ số phát triển, hỗ trợ DN công nghệ số khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số, thúc đẩy “Make in Viet Nam”.

Để bảo đảm tính khả thi, cơ quan thẩm tra cho rằng cần có chính sách rõ ràng, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Thảo luận tại tổ, ĐB Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, nhấn mạnh công nghệ số đang trở thành xu thế mới và ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước. Do đó, cần đánh giá trong 20-30 năm qua, công nghiệp công nghệ thông tin của chúng ta đã đạt được những kết quả gì, đâu là hạn chế, khó khăn, rào cản để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lập pháp, hoạch định chính sách. “Cần có cách tiếp cận xuất phát từ thực tiễn để xây dựng luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ số đang đặt ra” – ông Quân góp ý.

Về trí tuệ nhân tạo (AI), dẫn ra kinh nghiệm phát triển của mạng xã hội Facebook, ĐB Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, lưu ý dù không có chính sách khuyến khích phát triển nhưng Facebook và nhiều mạng xã hội khác đã phát triển như vũ bão trong thời gian qua.

Theo ông Tuấn, xu hướng ứng dụng AI cũng sẽ như vậy, do vậy, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cần điều chỉnh theo hướng đưa ra quy định để quản lý, không đưa ra quy định thúc đẩy AI phát triển. Quy định như vậy tương tự cách thiết kế quy định điều chỉnh với AI của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, nên có quy định về khung đạo đức về AI vì công cụ này đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. “AI có thể giúp kích cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng nếu rơi vào tay của người có dụng ý xấu sẽ vô cùng nguy hiểm” – ĐB Tuấn nêu quan điểm.

Phát biểu nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng “muốn chạy nhanh, chạy xa”, muốn “đi trước đón đầu”, phải đi bằng công nghệ mới. Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực chip bán dẫn, cần có những ưu đãi đặc biệt về đất đai, nguồn cung cấp nước sạch, điện năng, cơ sở hạ tầng và tài chính. Việc thu hút DN lớn phải tính toán kỹ lưỡng lợi ích quốc gia trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Phải lấy lợi ích tổng thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết chứ không tính toán lợi ích cụ thể.

Đối với quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nêu trong dự thảo luật, Thủ tướng nêu quan điểm nếu cứ giữ vòng an toàn của mình thì không gian sáng tạo sẽ hạn chế. “Kiểm soát về thời gian mới là điều quan trọng, hiệu quả hơn kiểm soát phạm vi và đối tượng”. Nếu tạo ra thí điểm không gian sáng tạo thì phải mở phạm vi và đối tượng thuộc ngành công nghệ số. Nếu không vượt ra được thì vẫn có “vòng kim cô”, hạn chế không gian sáng tạo.

Thủ tướng đề nghị luật chỉ quy định khung, nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quy định để mở rộng không gian sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý. 

Xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó

Chiều 23-11, với đa số ĐBQH có mặt tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. QH giao Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết này trong quý I/2025.

Theo đó, QH yêu cầu khắc phục các tồn đọng, hạn chế và các vướng mắc phát sinh; tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó chú trọng công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và các chính sách khác có liên quan, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Bên cạnh đó, có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án BĐS gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có sự thay đổi trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố; không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế – dân sự.

Chiều cùng ngày, QH cũng đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), có hiệu lực từ 1-7-2025. Luật gồm 9 chương, 95 điều, quy định về di sản văn hóa, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…