Nỗ lực đưa A Lưới thoát nghèo

A Lưới là một huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên – Huế, là căn cứ địa cách mạng của cả tỉnh, cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đây là địa bàn sinh sống, tụ cư lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy trong các thung lũng dọc Trường Sơn, sát với nước bạn Lào.

Thoát nghèo bền vững

A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15-3-2022. Đồng thời là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22-7-2022. Sau bao nỗ lực với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án và Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng như các sở, ban, ngành cấp tỉnh, ngày 22-7-2024, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 702/QĐ-TTg công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024.

Nỗ lực đưa A Lưới thoát nghèo- Ảnh 1.

Nhờ những mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, người dân ở huyện A Lưới đã có đời sống khấm khá hơn. Ảnh: Dinh Nguyên

Huyện A Lưới đã dần “thay da đổi thịt”, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc, kinh tế – xã hội đã có những bước phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng, cuộc sống của người dân đã dần khởi sắc.

Gia đình chị A Liêng Thị Hường ở xã A Ngo (A Lưới) trước đây thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn, nhưng giờ đây đã khá giả rất nhiều. Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, mượn thêm người thân, vợ chồng chị đầu tư 300 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi trồng tuần hoàn. Cụ thể là xây dựng chuồng trại kiên cố, nuôi heo theo hướng hữu cơ với hệ thống phun sương tự động.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi bài bản từ khâu giống đến thức ăn, phòng chống dịch bệnh, đàn heo dần phát triển tốt, thời kỳ cao điểm tăng lên 100 con, mỗi năm đều đặn xuất chuồng 2 lứa. Hiện tại, cùng với đàn heo sắp sửa xuất chuồng, chị còn sở hữu đàn gà 150 con, ao cá hàng ngàn con, vườn rau với đầy đủ các loại cây trái, như dưa leo, bầu, bí… và rẫy mía xanh tốt.

Phát huy tính tự lực, tự cường

Đồng thời đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo bền vững. Phát huy ý chí tự lực, tự cường và vươn lên của các hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021-2025, huyện A Lưới luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành. Đồng thời huyện đã tập trung nguồn lực của trung ương, địa phương cũng như huy động các nguồn lực khác để đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực về kinh tế – xã hội, đặc biệt là về tạo việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế giúp cho người dân có điều kiện tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới đã và đang triển khai thực hiên 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) gồm CTMTQG giảm nghèo bền vững, CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Tổng kế hoạch vốn các CTMTQG giai đoạn 2022-2024 triển khai trên địa bàn huyện A Lưới là hơn 1.013 tỉ đồng.

Nỗ lực đưa A Lưới thoát nghèo- Ảnh 2.

Huyện A Lưới đã thoát nghèo.

Vì vậy, với một huyện nghèo mà số liệu cuối năm 2021 toàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ49,98 %; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55 %. Nhưng đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo ở A Lưới đã giảm còn 24,3%, hộ cận nghèo chiếm 15,58%. Cơ sở vật chất hạ tầng được xây dựng, đường giao thông được bê tông hóa, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đã và đang được đầu tư xây mới và cải tạo nâng cấp đáp ứng các nhu cầu cho hoạt động cộng đồng.

Huyện A Lưới đã phê duyệt hỗ trợ cho 3.786 hộ gia đình với tổng kinh phí hỗ trợ 231.520 triệu đồng để xóa nhà tạm. Bên cạnh đó đã tổ chức các lớp đào tạo các nghề như may công nghiệp; kỹ thuật chế biến món ăn; kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn… Đồng thời phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức các “Ngày hội việc làm” để người lao động tiếp cận được với các nhà tuyển dụng. Trong giai đoạn 2022-2024, huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động và có 120 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Quan điểm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện A Lưới là bám sát thực trạng, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Chúng tôi xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo. Chính vì điều đó nên kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới là thực chất và bền vững”.

Không để tái nghèo

Theo UBND huyện A Lưới, với việc được công nhận thoát nghèo thì trong thời gian tới các nguồn lực từ CTMTQG giảm nghèo bền vững ở huyện sẽ giảm đi. Tuy nhiên, huyện A Lưới vẫn đang triển khai thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, huyện A Lưới vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ưu tiên của tỉnh bố trí ngân sách địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm tính bền vững.

Nỗ lực đưa A Lưới thoát nghèo- Ảnh 3.

Du khách đến A Lưới để tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây.

Các giải pháp để A Lưới không tái nghèo như tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuộc nguồn vốn 3 CTMTQG đã được phê duyệt. Huy động các nguồn nội lực và thu hút đầu tư để đầu tư cơ sở hạ tầng ở những địa bàn khó khăn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn huyện.

Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể như tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, duy trì dự án đã có thương hiệu như “Bò A Lưới”, phát triển dự án trồng cây dược liệu, nuôi dê, lợn rừng…; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhất là một số cây trồng có giá trị cao trong xuất khẩu phù hợp với thổ nhưỡng…

Đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất; tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, lấy khâu đột phá về phát triển nông nghiệp sạch, đặc trưng trở thành hàng hóa gắn với thực hiện chương trình mỗi xã, làng một sản phẩm. Duy trì và phát triển các loại vật nuôi đặc sản, thế mạnh khác của địa phương. Phát triển các mô hình sản xuất kinh tế gắn với quốc phòng – an ninh trên địa bàn.

Tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm; tổ chức thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là ở cấp xã, đây là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả mục tiêu của kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và sau khi A Lưới được công nhận huyện thoát nghèo.