Người Ba Na ở Gia Lai tạ ơn thần nước

Sau nhiều năm bị mai một, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Sở VH-TT-DL Gia Lai) đã phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Kbang tổ chức phục dựng Lễ cúng bến nước của người Ba Na. Nghi lễ được tổ chức tại cánh đồng làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang.

Nghi lễ độc đáo

Theo truyền thống, cứ vào khoảng tháng 10, tháng 11 dương lịch, người Ba Na ở huyện Kbang, Gia Lai lại tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn thần linh đã ban cho nguồn nước dồi dào, cầu cho mưa thuận, gió hoà; phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu, không có bệnh dịch xảy ra…

Già Đinh Chép (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) cho biết với người Ba Na, bến nước có mạch nước tự nhiên, trong lành, mát lạnh là nơi chứa sự sống, có sự trú ngụ của thần linh. Bến nước có thể ở chân đồi, cánh đồng, thung lũng nhưng phải là nơi nguồn nước trong lành, cung cấp nước cho dân làng.

Người Ba Na ở Gia Lai tạ ơn thần nước- Ảnh 1.

Các già lang trang trí cây nêu chuẩn bị cho nghi lễ

Để chuẩn bị cho nghi lễ, dân làng chuẩn bị một bộ chiêng, một con heo lớn, một con gà trống, một con gà mái và ba ghè rượu. Hôm cúng bến nước, trai gái trong làng sẽ chọn cho mình những bộ đồ đẹp nhất để ra bến nước tham gia lễ cúng. Tại đây, những người đàn ông sẽ chia nhau làm thịt heo, thịt gà, chuẩn bị cây nêu chuẩn bị lễ cúng. Trong khi đó, những người phụ nữ sẽ rửa sạch những nồi đồng, đưa nước đổ vào các ghè rượu.

Sau khi cây nêu đã trang trí xong, đồ lễ vật đã được sắp đặt thì hội đồng già làng sẽ cùng nhau thực hiện nghi lễ. Lễ cúng bến nước được chia thành hai nghi thức cúng ma và cúng các vị thần linh.

Tại nghi lễ cúng ma, các già làng xếp thành hàng, cùng nhau đọc to lời mời gọi ông bà, tổ tiên về tham dự lễ: “Hỡi ông bà ngày xưa, hôm nay già làng của đời bây giờ xin cúng lại con ma, hãy cho mưa xa cũng tới, mưa gần cũng tới. Mời ông bà về đây uống rượu, ăn thịt heo, thịt gà và phù hộ cho con làng mình mạnh khỏe” – lời cúng các già làng đọc trong nghi lễ.

Sau khi cúng ma, các già làng tiếp tục tiến về bến nước để cúng các vị thần linh. Nếu cúng ma các già làng chỉ đọc lời cúng một lần, nhưng cúng thần linh, các già làng liên tục ba lần mời: “Hỡi thần núi, thần nước, các vị thần xung quanh xin hãy cho nguồn nước, để bà con có nước, có lúa, có đồ ăn, mạnh khỏe làm ăn, không đau ốm. Hỡi các vị thần linh, hôm nay hãy về đây cùng dân làng ăn con heo, con gà, uống rượu ghè”.

Kết thúc nghi lễ, các già làng lấy huyết heo, huyết gà ra rải ở khu vực bến nước với ý nghĩa cho nước tươi mát, dồi dào quanh năm.

Sau khi các già làng cúng xong, đội cồng chiêng và múa xoang đã sẵn sàng trong trang phục truyền thống cùng cất cao tiếng chiêng rộn rã, bước vào vòng xoang nhịp nhàng. Lúc này, dân làng bắt đầu uống rượu ghè, ăn thịt gà, thịt heo.

Phục dựng để bảo tồn

Sau nhiều năm bị mai một, lễ cúng bến nước được phục dựng theo nghi thức truyền thống, tái hiện gần như nguyên bản các nghi lễ, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, quảng bá, phát huy di sản văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Ba Na.

Ông Đinh Đình Chi, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin, cho biết hiện nay một bộ phận thế hệ trẻ người Ba Na thờ ơ, thiếu mặn mà đối với những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua việc phục dựng các lễ hội đã giúp cho người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc của họ. Từ đó, kích thích ý thức tự giác của bà con, khiến họ trân trọng hơn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Người Ba Na ở Gia Lai tạ ơn thần nước- Ảnh 3.

Người Ba Na làm lễ cúng bến nước để tạ ơn thần linh đã ban cho nguồn nước dồi dào, cầu cho mưa thuận, gió hòa và mong phù hộ cho dân làng mạnh khỏe

Trong 5 năm qua, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã phục dựng hàng chục lễ hội khác nhau của người Ba Na, Jrai ở nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai. Các lễ hội được phục dựng theo truyền thống đã tiếp thêm động lực để người dân có ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, cho biết việc phục dựng các lễ hội đã giúp cho bà con nhận thức được đây là những vốn quý, có khả năng mai một, để bà con hiểu rằng chính bản thân mình phải góp phần bảo tồn.

Người Ba Na ở huyện Kbang có đời sống văn hóa phong phú, đặc sắc thể hiện qua hệ thống các lễ hội. Đây cũng là tài nguyên lớn để khai thác các sản phẩm du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng.