Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1954, ngụ thôn Đoàn Kết, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), năm 1981, gia đình bà cùng các hộ dân từ Hà Tĩnh vào Đắk Lắk theo diện kinh tế mới và được tuyển dụng vào làm công nhân nông nghiệp cho Trung đoàn 333.
Năm 1982, bà Tuyết được trung đoàn giao cho khoảng 2.200 m2 đất lúa nước và đóng nộp sản 90 kg lúa/sào. Năm 1987, trung đoàn chuyển giao đất, tài sản, nhân lực cho Nông trường 718 (thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam) và gia đình bà tiếp tục nhận khoán 2 sào lúa nước.
Đến năm 2005, Nông trường 718 đã giao khoán cho ông Nguyễn Quang T. 6,7 ha lúa nước với thời hạn 25 năm, có hơn 2 sào đất của bà Tuyết. Cùng năm này, theo hướng dẫn của nông trường, bà Tuyết ký hợp đồng giao khoán với ông T. có thời hạn 10 năm.
Cũng theo bà Tuyết, đến năm 2007, Nông trường 718 giải thể, toàn bộ diện tích được giao về cho địa phương quản lý. Bên cạnh đó, đến năm 2015, hợp đồng giao khoán giữa bà và ông T. đã hết hạn nên bà tiếp tục canh tác ổn định đến nay.
“Tháng 9-2024, chúng tôi bất ngờ nhận được giấy triệu tập của TAND huyện khi ông T. khởi kiện đòi lại đất dù đất đã được bàn giao về cho địa phương gần 10 năm trước” – bà Tuyết nói.
Còn theo bà Hồ Thị Ngọc (SN 1958), gia đình bà có tổng cộng 6.000 m2 đất trồng lúa nước. Nếu nhà nước thu hồi lại đất để thực hiện các dự án an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương thì bà sẵn sàng chấp hành. Còn nếu giao lại đất cho ông T. thì nhất quyết không đồng ý.
“Đây là đất cũ của Nông trường 718, là tài sản của nhà nước, không thuộc bất kỳ cá nhân nào” – bà Ngọc quả quyết.
Theo đại diện UBND huyện Krông Pắk, hợp đồng giao khoán của ông T. và Nông trường 718 đến ngày 10-9-2025 mới hết hạn. Tuy nhiên, sau khi Nông trường 718 giải thể, năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi hơn 818 ha đất của nông trường (có 6,7 ha nói trên) giao cho UBND huyện Krông Pắk quản lý.
Theo quy định, việc thanh lý hợp đồng phải được thực hiện khi UBND tỉnh thu hồi bàn giao về cho UBND huyện quản lý và Nông trường 718 phải tính toán phần vốn đầu tư xây dựng đã trừ khấu hao để trả một phần cho ông T.
Bên cạnh đó, kể từ lúc Nông trường 718 giải thể cho đến nay, ông T. chưa liên hệ với UBND huyện Krông Pắk để trao đổi liên quan đến hợp đồng thuê khoán. Hợp đồng khoán giữa ông T. với các hộ dân đã hết hạn vào năm 2015, ông T. không phải là chủ sử dụng đất nên không được quyền giao khoán đất.
Ông Phan Xuân Lâm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắk, cho biết theo quy định, sau khi Nông trường 718 giải thể, các bên liên quan không thanh lý hợp đồng là trái quy định.
“Trước đây, chúng tôi đã xin toàn bộ hồ sơ giải thể của Nông trường 718 để có căn cứ giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, các bên liên quan phản hồi rằng đã thất lạc hồ sơ” – ông Lâm nói thêm.
Còn theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, tháng 9-2025, sau khi hợp đồng giao khoán giữa nông trường và ông T. hết hạn, huyện sẽ thu hồi toàn bộ diện tích để giao lại cho UBND xã quản lý. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ xây dựng phương án sử dụng đất cụ thể.
Nhiều người dân thua kiện
Tháng 9-2024, ông Nguyễn Quang T. khởi kiện ra TAND huyện Krông Pắk tổng cộng 22 hộ dân về việc “tranh chấp hợp đồng giao khoán”.
Tại phiên tòa, đại diện UBND huyện Krông Pắk đã có ý kiến về việc huyện đang là cơ quan quản lý diện tích trên. Tuy nhiên, căn cứ vào hợp đồng giao khoán, TAND huyện đã xét xử 4 vụ và tất cả đều tuyên buộc các hộ dân trả lại đất cho ông T.
Hiện các hộ dân đã kháng cáo lên TAND tỉnh Đắk Lắk và chờ xét xử phúc thẩm.