Rạng sáng 22-10 theo giờ Việt Nam, chốt phiên giao dịch trên sàn London – Anh, giá cà phê Robusta chìm ngập trong sắc đỏ, với mức giảm từ 106 – 125 USD/tấn.
Trong đó, kỳ giao hàng tháng 11 giảm mạnh nhất đến 125 USD/tấn, còn 4.577 USD/tấn, giảm đến 950 USD/tấn so với mức đỉnh được thiết lập trong phiên giao dịch chốt ngày 27-9. Đây cũng là mức giá thấp nhất của giá cà phê Robusta trong 2 tháng qua trên sàn London.
Tương tự, trên sàn New York – Mỹ, giá cà phê Arabica cũng đồng loạt giảm từ 2,16 đến 2,18% so với hôm trước. Ở kỳ hạn giao hàng tháng 12, giá cà phê Robusta còn 5.550 USD/tấn (tương đương gần 139 triệu đồng/tấn), giảm 120 USD/tấn.
Giá cà phê trong nước đầu ngày hôm nay (22-10) ở mức khoảng 110.000 đồng/kg, giảm nhẹ so với cuối tuần trước.
Giá cà phê giảm khi bước vào vụ thu hoạch rộ là điều dễ hiểu khi nguồn cung được bổ sung. Ngoài ra, tại vùng trồng của Brazil – nơi cung cấp cà phê số 1 thế giới liên tiếp có mưa nên lo ngại về mất mùa vụ tới giảm bớt.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là các nhà mua từ châu Âu sau khi mua dồn dập để tránh gián đoạn do Đạo luật Chống phá rừng của châu Âu (EUDR) có hiệu lực từ 30-12-2024 đã giãn mua hàng khi đạo luật này vừa được chính thức công bố hoãn áp dụng 1 năm.
Việt Nam hiện có khoảng 700.000 ha trồng cà phê, nhiều nhất tại các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và một số tỉnh miền Trung. Giống cà phê chủ lực là Robusta, chiếm khoảng 95%, còn lại là Arabica và một số giống khác.
Giá cau lao dốc
Sau một thời gian tăng giá nóng từ 60.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg, giá cau đã lao dốc mạnh, về mức dưới 60.000 đồng/kg, tiêu thụ khó khăn do nhiều thông tin cho thấy các đầu mối thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc đã đủ hàng.
Tình trạng này đã được cảnh báo từ trước khi quả cau phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và hiện tại loại quả này đang buôn bán dạng trao đổi của cư dân biên giới nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nhà vườn không nên trồng cau chuyên canh, chỉ nên trồng bờ rào để làm cảnh quan và tăng thu nhập khi thị trường cần.