Ngoáy tai là thói quen phổ biến của nhiều người, thường được thực hiện với mục đích làm sạch tai hoặc để cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, thói quen này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi sử dụng các dụng cụ không an toàn hoặc thực hiện không đúng cách.
Có khả năng mất thính lực
Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM vừa tiếp nhận cấp cứu nữ bệnh nhân Đ.T.T.V (25 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị cây lấy ráy tai bằng sắt đâm sâu vào lỗ tai trái. Khai thác bệnh sử, khi bệnh nhân đang ngồi lấy ráy tai, không may người nhà đi qua, va chạm vào tay khiến thanh kim loại đâm sâu vào ống tai. Sau tai nạn, cô được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán nhưng sau đó phải chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM do mức độ nghiêm trọng.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi, phát hiện dị vật là cây lấy ráy tai dài gần 6 cm nằm sâu trong ống tai trái. Đầu của cây ráy tai chạm đến khu vực động mạch cảnh trong và nằm sát chuỗi xương con. Qua hình ảnh nội soi, các bác sĩ ghi nhận màng nhĩ bị xuyên thủng, gây sưng huyết và phù nề. Sau khi lấy dị vật, màng nhĩ bệnh nhân thủng góc trước trên.
Tương tự, một trường hợp khác là anh N.H.H (32 tuổi, ngụ TP HCM) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) thăm khám trong tình trạng tai đau nhức, ngứa, sưng đỏ và chảy dịch. Anh H. cho biết do có thói quen lấy ráy tai khoảng 2 tuần/lần tại một tiệm cắt tóc gần nhà. Sau khi lấy ráy tai bằng que kim loại mỏng tại tiệm, anh cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, gần đây, sau khi ngoáy tai về, anh xuất hiện tình trạng trên nên đến bệnh viện.
Tại bệnh viện, qua khai thác bệnh sử và thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm tai do nhiễm trùng từ dụng cụ ngoáy tai.
Bác sĩ chuyên khoa II Dương Thanh Hồng, Trưởng Khoa Tai – Tai thần kinh, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận các trường hợp tổn thương tai nghiêm trọng, với nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ngoáy ráy tai. Đặc biệt, một số bệnh nhân phải điều trị nội trú trong 3 – 4 tháng. Dù phục hồi được chức năng tiền đình, họ vẫn mất thính lực hoàn toàn.
Tai có chức năng tự làm sạch
Theo bác sĩ Dương Thanh Hồng, chỉ khoảng 5% người có tuyến ráy tai tiết nhiều và bị đọng lại, khiến da ống tai không đủ khả năng tự đẩy ra ngoài, những trường hợp này mới cần đến sự can thiệp y tế. Đối với việc vệ sinh tai tại nhà, cách an toàn nhất là sử dụng nước muối sinh lý để làm tan ráy tai, giúp nó thoát ra ngoài tự nhiên. Thói quen đến tiệm hớt tóc để lấy ráy tai tuy phổ biến nhưng thật sự có hại và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe tai.
Thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa I Hồ Văn Hữu, Trung tâm Tai Mũi Họng – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết ráy tai có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lớp da mỏng bên trong tai. Đồng thời, có khả năng kháng nước, vi khuẩn, nấm, thậm chí, ngăn côn trùng bò vào tai. Tuy nhiên, việc ngoáy tai thường xuyên, đặc biệt khi sử dụng tăm bông hoặc các vật dụng nhọn, có thể đẩy ráy tai sâu vào bên trong, gây trầy xước hoặc rách lớp da mỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng.
Bác sĩ Hữu nhấn mạnh không cần thiết lấy ráy tai mỗi ngày, vì ráy tai sẽ tự khô và bong tróc ra ngoài tai. Nếu trong quá trình tắm gội, nước vào tai, chỉ cần nghiêng tai để nước thoát ra, sau đó dùng tăm bông thấm nhẹ ở cửa tai. Nước còn lại sẽ tự khô mà không cần can thiệp sâu vào bên trong tai.
Theo các bác sĩ, ống tai không phải là một ống thẳng dẫn từ bên ngoài vào màng nhĩ mà có hình cong. Trong quá trình nhai hoặc khi ngủ nghiêng, ráy tai có thể tự được đẩy ra ngoài. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu điều này nên sử dụng các vật dụng ngoáy để đưa thẳng vào ống tai, khiến dễ gây tổn thương cho niêm mạc bên trong. Những sang chấn này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây viêm ống tai ngoài.
Biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Dương Thanh Hồng cho biết dụng cụ nhọn nếu xuyên vào màng nhĩ có thể làm giảm khả năng nghe, gây chấn thương cho chuỗi xương con (hệ thống dẫn truyền âm thanh) và ảnh hưởng khả năng nghe. Đặc biệt, nếu đi sâu hơn vào ốc tai – cơ quan thính giác chính của con người – sẽ có nguy cơ gây điếc vĩnh viễn. Ngoài ra, trong tai còn có những dây thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh số 7. Nếu bị tổn thương, có thể dẫn đến liệt mặt; tổn thương cơ quan tiền đình có thể gây chóng mặt và nếu nghiêm trọng sẽ không thể hồi phục.