Chứng khoán kỳ vọng làn gió mới

Phiên giao dịch ngày 4-11, chứng khoán trong nước tiếp tục chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất tới hơn 10 điểm, về sát mốc 1.240 điểm. Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức được áp dụng, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền cũng không ngăn được đà giảm của thị trường.

Môi giới thất thu, nhà đầu tư chán nản

Đáng nói, thị trường Việt Nam đỏ điểm trong lúc các thị trường lớn trên thế giới từ Á, Âu, Mỹ đều ngập tràn sắc xanh. Điều này càng làm các nhà đầu tư trong nước chán nản, chuyển sang cắt lỗ cổ phiếu ở mức giá thấp. Kết quả, VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9-2024. Thanh khoản duy trì ở mức thấp khi giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 15.800 tỉ đồng.

Giới đầu tư và các chuyên gia đang hy vọng về sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong thời gian còn lại của năm  Ảnh: LAM GIANG

Giới đầu tư và các chuyên gia đang hy vọng về sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong thời gian còn lại của năm Ảnh: LAM GIANG

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), thanh khoản bình quân toàn thị trường hiện xuống mức thấp nhất 7 tuần, chỉ còn khoảng 16.380 tỉ đồng. Nếu loại giao dịch thỏa thuận, giá trị giao dịch chỉ còn khoảng 12.381 tỉ đồng. VN-Index đánh mất xu hướng tăng kể từ đầu tháng 8 ở khu vực 1.280 điểm và vẫn tiếp tục dò đáy trong nhiều tuần qua.

Nhiều nhà đầu tư cho biết diễn biến của thị trường và giá cổ phiếu không chỉ gây thất vọng mà còn khiến họ thua lỗ nặng. Anh Hoài Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), đang nắm giữ cổ phiếu bất động sản và xây dựng, cho biết bất chấp kết quả kinh doanh quý III/2024 của doanh nghiệp anh đang đầu tư tích cực, giá cổ phiếu vẫn liên tục đi xuống. 

“Cổ phiếu bất động sản biến động với biên độ hẹp trong suốt 8 tháng qua, trong khi cổ phiếu xây dựng hạ tầng liên tục đi xuống khiến tài khoản của tôi bị âm ngày càng nặng. Ban đầu tôi còn mua để trung bình giá nhưng khoảng 1 tháng nay, tôi đã tắt app, ngừng giao dịch” – anh Minh kể.

Nhiều nhà đầu tư nắm giữ dòng cổ phiếu khác như chứng khoán, thép, dầu khí… cũng rơi vào tình cảnh tương tự “càng mua càng lỗ” và chấp nhận ngừng xem bảng điện. Bà Đoàn Thị Thu Huyền, một nhân viên tư vấn Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho hay thanh khoản thị trường sụt giảm, nhà đầu tư hạn chế giao dịch đã ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của môi giới. “Thông thường, mỗi khi thị trường ảm đạm, nhà đầu tư chán nản, ít người mở tài khoản là dấu hiệu cho thấy thị trường đang trong giai đoạn tạo đáy” – chị Thu Huyền nói.

Tương tự, anh Trần Anh Giàu, nhân viên môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cũng than thở thời gian gần đây thu nhập của anh giảm sút rất mạnh, vì nhà đầu tư nghỉ giao dịch. “Kinh tế vĩ mô của Việt Nam khả quan nhưng VN-Index không tăng đã gây tâm lý e ngại và nản giao dịch của nhà đầu tư, làm cho nguồn thu từ phí giao dịch của môi giới giảm mạnh. Chưa kể, nhiều nhà đầu tư bị “kẹp hàng”, phải gồng lỗ cũng gây áp lực cho đội ngũ môi giới” – anh Giàu kể.

Làn gió mới từ khối ngoại

Liên quan đến Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức được áp dụng từ ngày 2-11, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, ghi nhận của phóng viên, một số công ty chứng khoán lớn đã bắt đầu triển khai phương thức giao dịch theo quy định mới. 

Ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho biết công ty đang tuân thủ hướng dẫn của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) và chỉ thị của Thông tư 68 để tiếp nhận khách hàng, triển khai dịch vụ theo yêu cầu. VNDIRECT làm việc với các tổ chức tư vấn thuộc nhóm kiểm toán lớn để thiết lập đánh giá rủi ro đối tác cho từng khách hàng… 

“Đây là thông tư quan trọng vì thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán. Đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn” – ông Barry Weisblatt David nói.

Thông tư 68 sẽ khiến một số nhà quản lý quỹ tích cực gia tăng phân bổ cho Việt Nam do đầu tư hiệu quả hơn về chi phí. Dù vậy, phạm vi này khá nhỏ khi không ảnh hưởng đến phân bổ từ các quỹ như PYN, Dragon Capital hay VinaCapital… vì họ đã đầu tư 100% vào Việt Nam. Thông tư sẽ áp dụng chủ yếu cho các quỹ khu vực hoặc các quỹ chuyên thị trường cận biên và mới nổi toàn cầu có quan tâm đến Việt Nam.

Dưới góc độ của quỹ đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán – VinaCapital, nói rằng hiện nhiều công ty chứng khoán đã chuẩn bị sẵn sàng quy trình giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần bảo đảm quy trình này được thực hiện trôi chảy trong thực tế, không có trục trặc hay ảnh hưởng gì đến giao dịch của các nhà đầu tư. 

Các công ty chứng khoán cũng cần chuẩn bị nguồn vốn đầy đủ để ứng vốn cho giao dịch của các nhà đầu tư. “Việc kiểm soát rủi ro đối với các công ty chứng khoán cũng rất quan trọng để tránh việc nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán nhưng sau đó không thanh toán được” – bà Hoài Thu nói.

Về câu chuyện Thông tư 68 đóng góp vào lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, chuyên gia của VinaCapital cho hay sau khi đã có quy định pháp lý và quy trình triển khai cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán mà không cần có sẵn 100% tiền mặt tương ứng với giá trị lệnh đặt, FTSE Russell sẽ cần lấy ý kiến từ các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu không có trở ngại gì, FTSE Russell mới có thể ra quyết định chính thức về việc nâng hạng chứng khoán.

Theo chuyên gia của VNDIRECT, khả năng quỹ FTSE Russell sẽ công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3-2025. Thông báo này sẽ cải thiện tâm lý thị trường và lực mua của nhà đầu tư cá nhân một cách tích cực. Các quỹ ETFs nước ngoài mô phỏng thị trường Việt Nam có thể gia tăng tài sản quản lý khi nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào nâng hạng thị trường mới nổi, giúp tăng giá cổ phiếu trong quý I/2025. Dù có nhiều ước tính khác nhau, khoảng 500 triệu USD đến dưới 1 tỉ USD vốn ngoại sẽ chảy vào Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp đang chiếm ưu thế trong chỉ số FTSE FM. 

Talkshow vàng, chứng khoán

Sáng 5-11, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow chủ đề “Vàng lập đỉnh, chứng khoán èo uột: Đâu là cơ hội”, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, tài chính, phân tích những yếu tố tác động lên thị trường chứng khoán, vàng ở hiện tại và xu hướng sắp tới.

Thị trường đã tạo đáy?

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích MBS, nhận định dù chỉ số USD đang biến động quanh ngưỡng 104 điểm nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có động thái bơm ròng trở lại để hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong bối cảnh cầu tín dụng tăng mạnh về cuối năm. Lãi suất liên ngân hàng giảm, tỉ giá có dấu hiệu hạ nhiệt và VNĐ lên giá so với USD cùng với Thông tư 68 là những yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường giai đoạn tới.

“Thị trường chứng khoán trong nước thường có chu kỳ tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau. Trong 2 năm gần nhất là 2022 và 2023, VN-Index đã tạo đáy trong tháng 11 và khởi đầu cho chuỗi phục hồi mạnh mẽ sau đó. Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất thêm 0,25 điểm % trong cuộc họp vào tháng 11 này; trong nước tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn… cũng giúp chứng khoán hưởng lợi” – bà Khánh Hiền phân tích.