Sáng 26-8, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Cổ đổng kỳ quan – Nơi hội tụ các nền văn hóa” nhân kỷ niệm 45 năm thành lập bảo tàng.
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm
“Kỷ niệm 45 năm hình thành và phát triển, cùng với trưng bày trên, bảo tàng ra mắt bộ nhận diện thương hiệu, thể hiện quan điểm “Bảo tàng vì con người và phục vụ con người, là tương lai của truyền thống”. Đây là tâm huyết của bảo tàng để bảo vệ và truyền tải những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, mở rộng giao lưu với khu vực và thế giới, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa”.
Các hiện vật trong trưng bày lần này đã thu hút đông đảo khách tham quan, tìm hiểu.
Trưng bày giới thiệu đến công chúng hơn 150 hiện vật tiêu biểu, là những “kỳ quan” đặc sắc của bảo tàng được sắp xếp theo 4 chủ đề chính. Trong đó, phần “Mỹ thuật Việt Nam” giới thiệu về mỹ thuật trên đồ đồng với hai nhóm hiện vật chính: Nhóm cổ khí được làm dưới triều vua Minh Mạng với các loại đồ thờ cúng có khắc bài minh bằng chữ Hán; nhóm hiện vật đồng tam khí với các bức tượng Phật, đồ thờ cúng và đồ gia dụng mang nét đặc trưng của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam. Ngoài ra, còn có các đồ gốm kích thước lớn vốn được sử dụng trong cung đình triều Nguyễn trước đây.
Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh tiếp nhận hiện vật do các đơn vị trao tặng.
Phần “Mỹ thuật Nhật Bản” giới thiệu các hiện vật thuộc dòng gốm mỹ thuật Satsuma vang danh vào thế kỷ XVII, hiện vật khám thờ Butsudan, tượng Phật bằng gỗ thếp vàng và một số vật trang trí bằng ngà với tạo hình độc đáo, ấn tượng. Phần “Nghệ thuật Ấn Độ ở Đông Nam Á” là các loại tượng thờ, phù điêu trang trí mang ảnh hưởng của 2 tôn giáo lớn là Hindu giáo và Phật giáo. Ngoài ra, nhóm “Mỹ thuật Trung Quốc” giới thiệu mỹ thuật trên gốm qua các hiện vật thuộc dòng gốm men ngọc và gốm men xanh trắng; mỹ thuật trên chất liệu ngà qua các bức tượng thần tiên, thẻ ngà, ống cắm bút, trấn phong… được tạo hình và chạm khắc tinh xảo.
Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM Trần Thế Thuận cùng các đại biểu tham quan không gian trưng bày
Đặc biệt, trong trưng bày “Cổ đổng kỳ quan – Nơi hội tụ các nền văn hóa”, có nhiều hiện vật đã từng xuất hiện trong các bưu ảnh xưa về bảo tàng. Bên cạnh đó, một số bộ sưu tập quý hiếm cũng lần đầu được ra mắt công chúng. Trưng bày diễn ra đến ngày 31-10 tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh (phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh).
Hiện vật phòng trưng bày “Thương mại hàng hải – Di sản gốm sứ từ những con tàu đắm trên biển Đông”
Dịp này, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh đã khánh thành phòng trưng bày chuyên đề “Thương mại hàng hải – Di sản gốm sứ từ những con tàu đắm trên biển Đông”. Bảo tàng cũng giới thiệu phần mềm thuyết minh tự động do Công ty Cổ phần Vietsoftpro hợp tác thực hiện, nhằm phục vụ công chúng tham quan bảo tàng có thêm trải nghiệm mang tính cá nhân độc đáo và hấp dẫn hơn, cũng như tăng tính hiệu quả trong quản lý và vận hành bảo tàng trong thời đại số.
Những đóng góp của bảo tàng trong việc giáo dục lịch sử và văn hóa cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, là một quá trình tiếp nối từ nhiều thế hệ những người làm công tác bảo tàng, những nỗ lực đó được công chúng ghi nhận.
Ông Trần Thế Thuận mong rằng, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và các thế hệ sau.
Thanh Dung