Vào tháng 7-2022, UBND TP HCM ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành; UBND TP Thủ Đức, quận, huyện trong công tác tham mưu và triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước (Quyết định 2536). Đến nay, thành phố đánh giá công tác này được chú trọng hơn và dù đạt một số kết quả nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định.
Còn chệch choạc
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân nhìn nhận việc phối hợp có tiến triển hơn so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cơ quan phối hợp góp ý nội dung chưa đúng yêu cầu nên phải trao đổi lại làm ảnh hưởng đến thời gian thực hiện.
Ông Quân dẫn chứng Sở Xây dựng được UBND thành phố giao chủ trì một số tổ công tác, dự án trọng điểm như Rạch Xuyên Tâm, Kênh Tham Lương – Bến Cát, Chương trình phát triển nhà ở… Thế nhưng, tại một số cuộc họp, đơn vị phối hợp không cử người tham dự làm ảnh hưởng đến công việc chung của thành phố.
Về quy trình, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết một số văn bản đề nghị có ý kiến với thời gian quá ngắn, chỉ từ 1-2 ngày, mà nội dung cần nhiều thời gian nghiên cứu quy định để góp ý và nêu chính kiến nhằm bảo đảm chất lượng tham mưu và đầy đủ cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, công văn đề nghị góp ý gửi dàn trải đến nhiều đơn vị gồm cả đơn vị không liên quan dẫn đến công tác phối hợp kéo dài, chưa đạt hiệu quả. Ngoài ra, một số trường hợp văn bản có nội dung đề nghị chưa cụ thể dẫn đến công tác thực hiện hoặc có ý kiến chưa đúng trọng tâm, chưa đạt chất lượng theo yêu cầu.
Để bảo đảm công tác phối hợp hiệu quả trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nội vụ đề xuất kiện toàn quy chế phối hợp. Việc kiện toàn theo hướng cơ quan chủ trì rà soát kỹ nội dung, tập trung vào trọng tâm vấn đề. Đồng thời, cân nhắc thời hạn thực hiện để những nơi được gửi đề nghị đủ thời gian nghiên cứu, thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng tham mưu, trừ trường hợp gấp theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên.
Ông Nhân cho rằng thay vì 15 ngày như trước đây thì giảm xuống trong vòng 7 ngày các cơ quan phối hợp phải có văn bản phúc đáp cho cơ quan chủ trì. Cơ quan nhận được đề nghị phối hợp cần đầu tư cho việc góp ý, bảo đảm nội dung trả lời, góp ý theo đúng yêu cầu của cơ quan chủ trì để công tác tổng hợp, tham mưu đạt hiệu quả.
Nếu quá thời hạn, cơ quan chủ trì tổng hợp báo cáo những nơi không thực hiện hoặc không có văn bản phản hồi, gửi Chủ tịch UBND thành phố để xem xét, đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ quý, nhiệm vụ năm.
Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi rất lớn từ những quyết sách chính xác ra đời thông qua sự phối hợp, tham mưu giữa các cơ quan trong thành phố. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
“Chìa khóa” từ người đứng đầu
Song song đó, theo Giám đốc Sở Nội vụ, quá trình thực hiện cần linh hoạt các hình thức, phương pháp phối hợp. Ngoài hình thức họp trực tiếp, cần tăng cường trao đổi bằng điện thoại, thư điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin… về những vấn đề phát sinh, đột xuất, cấp bách để bảo đảm tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, giảm bớt cuộc họp, hội nghị, hội thảo không cần thiết. Chỉ mời họp đối với những cơ quan liên quan để bảo đảm chất lượng. Đồng thời, nghiên cứu, đơn giản hóa quy trình xử lý văn bản đến, văn bản đi để bớt khâu trung gian, qua đó giảm thời gian xử lý công việc.
Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Huỳnh Văn Hạnh nhìn nhận nếu người đứng đầu quyết liệt thì chủ đề khó cũng bảo đảm được tiến độ. Hơn nữa, nếu các đơn vị liên quan tham gia ngay từ đầu, từ sớm, góp ý luôn thì những công đoạn sau việc sẽ nhẹ hơn, đỡ mất thời gian rất nhiều.
Để khắc phục tình trạng góp ý nội dung không đúng trọng tâm, ông Hạnh cho rằng cơ quan chủ trì gửi văn bản cho cơ quan phối hợp thì ít nhất cần nói rõ mình muốn gì, chọn phương án nào để dễ góp ý. “Chứ việc của mình mà mình cứ nói chung chung, không nói chính kiến thì lãnh đạo khó quyết mà chúng tôi cũng không biết góp ý gì” – ông Hạnh đề nghị.
Nói thêm về tận dụng công nghệ hóa giải khó khăn, ông Huỳnh Văn Hạnh nhận xét việc áp dụng quy trình điện tử rất có lợi. Ông đánh giá quy trình này tạo sự minh bạch trong giải quyết công việc. “Trong những tháng gần đây, sự phối hợp được cải thiện rất nhiều, nhất là việc phát hành công văn. Khi vừa phát hành thì các đơn vị liên quan tiếp nhận xử lý ngay nên việc sẽ được xử lý nhanh hơn, chứ đợi công văn giấy đã mất 3 ngày” – ông Hạnh nói.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM hôm 10-10, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đề cập hạn chế trong các mối quan hệ giữa sở, địa phương. Ông đề nghị từng cấp ủy, từng người đứng đầu các cấp nâng cao trách nhiệm, làm đúng và làm tốt nhiệm vụ được giao.
Hơn 80.800 văn bản đề nghị phối hợp
Theo thống kê của Sở Nội vụ TP HCM, từ khi ban hành Quyết định 2536 ngày 27-7-2022, đến ngày 30-6-2023, các cơ quan, đơn vị ban hành 80.854 văn bản đề nghị phối hợp. Trong đó, số văn bản trễ hạn so với yêu cầu của cơ quan đề nghị là 610, chiếm tỉ lệ 0,75%.
Đối với hình thức phối hợp mời họp, các đơn vị đã tổ chức 14.361 cuộc họp. Hình thức phối hợp kiểm tra có 2.668 trường hợp, 5 trường hợp trong số này không dự theo đề nghị.