• Trang chủ
  • Thời sự
  • TP HCM: Thêm hai tiêu chí quan trọng vào đánh giá năng lực cạnh tranh

TP HCM: Thêm hai tiêu chí quan trọng vào đánh giá năng lực cạnh tranh

Sáng 2-11, UBND TP HCM tổ chức hội nghị công bố triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương – DDCI TP HCM năm 2023. Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết Bộ Chỉ số DDCI 2023 có sự chắt lọc từ những tiêu chí cũ, gắn với từng ngành, từng lĩnh vực của doanh nghiệp. Đặc biệt, bộ chỉ số năm nay sẽ bổ sung hai tiêu chí mới là chỉ số xanh, chỉ số sức khỏe và môi trường.

TP HCM: Thêm hai tiêu chí quan trọng vào đánh giá năng lực cạnh tranh - Ảnh 1.

Phó Giám đốc ITPC Cao Thị Phi Vân cho biết bộ câu hỏi sẽ ngắn gọn, dễ hiểu

Thông tin rõ hơn hai tiêu chí này, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết chỉ số xanh được tham chiếu theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và định hướng thúc đẩy kinh tế xanh của lãnh đạo thành phố – bước quan trọng để thành phố tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh toàn cầu.

Đây là năm thứ 2 thành phố thực hiện đánh giá chỉ số DDCI. Trong năm đầu tiên, quận Phú Nhuận và Sở Khoa học – Công nghệ là địa phương và sở, ngành dẫn đầu về năng lực cạnh tranh.

Năm nay, UBND thành phố giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) là đơn vị chủ trì, phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ thành phố và các đơn vị liên quan, triển khai đánh giá DDCI năm 2023.

Về chỉ số sức khỏe và môi trường, bà Vân cho hay không chỉ riêng môi trường đầu tư, vấn đề sức khỏe và môi trường cũng được quan tâm hàng đầu. 

Bà Vân cho biết năm nay, bộ câu hỏi được xây dựng ngắn, dễ hiểu; đưa những vấn đề thành phố đang quan tâm vào bảng câu hỏi. Tại hội nghị, nhiều đơn vị đã góp cho Bộ Tiêu chí DDCI năm 2023.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Nguyễn Ngọc Hòa nhìn nhận hội đồng đánh giá có sự điều chỉnh khi chọn đơn vị tư vấn có thành viên uy tín, độc lập; có phân tích, đề xuất cho lãnh đạo thành phố.

TP HCM: Thêm hai tiêu chí quan trọng vào đánh giá năng lực cạnh tranh - Ảnh 3.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Nguyễn Ngọc Hòa kỳ vọng Bộ Tiêu chí DDCI mới sẽ giúp thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) Việt Nam đánh giá Chỉ số DDCI là một sáng kiến chiến lược rất quan trọng và rất ủng hộ sáng kiến này.

Nêu nhiều vấn đề cụ thể trong lĩnh vực thuế, hải quan, đại diện Amcham Việt Nam cho rằng đây không phải là vấn đề quá lớn nhưng đối với các nhà đầu tư, nếu vẫn còn tồn tại sẽ khiến cho thị trường Việt Nam thiếu tính cạnh tranh quốc tế. “Đôi khi giải quyết những vấn đề nhỏ sẽ tạo nên những khác biệt lớn”- địa diện Amcham Việt Nam nêu quan điểm.

TP HCM: Thêm hai tiêu chí quan trọng vào đánh giá năng lực cạnh tranh - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận việc triển khai DDCI sẽ khó khăn nhưng phải làm

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan ghi nhận ý kiến của đại biểu và cho biết sẽ hoàn thiện Bộ Chỉ số DDCI và triển khai đến các đơn vị. TP HCM sẽ báo cáo kết quả DDCI năm 2023 vào tháng 2-2024.

Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định việc triển khai DDCI chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhưng đây là việc phải làm, không thể không làm. “Đây là cơ sở để nâng cao hơn nữa các hoạt động của cơ quan nhà nước, qua đó đóng góp vào sự tăng trưởng của thành phố”- ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Theo ông, trách nhiệm chung của người được đánh giá, người đánh giá là cùng chung một mục tiêu phát triển thành phố. Quá đó vượt qua chính mình, làm cho mình ngày càng tốt hơn, làm cho mọi người càng hài lòng và thích sống, làm việc ở TP HCM.

Bộ Chỉ số DDCI năm 2023 cấp sở, ban, ngành gồm 9 chỉ tiêu:

1. Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số;

2. Chi phí không chính thức;

3. Chi phí thời gian;

4. Cạnh tranh bình đẳng;

5. Hỗ trợ doanh nghiệp;

6. Thiết chế pháp lý;

7. Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị;

8. Chỉ số xanh;

9. Môi trường sống và sức khỏe.

Bộ Chỉ số DDCI năm 2023 cấp địa phương gồm 10 chỉ tiêu:

1. Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số;

2. Chi phí không chính thức;

3. Chi phí thời gian;

4. Cạnh tranh bình đẳng;

5. Hỗ trợ doanh nghiệp;

6. Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự;

7. Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị;

8. Chỉ số xanh;

9. Môi trường sống và sức khỏe;

10. Khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.