Đề thi tưởng như “bắt trend”, sáng tạo của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM) nhưng thiếu những yêu cầu cơ bản của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thiếu tính khoa học, logic nên gây ra nhiều tranh cãi.
Thiếu chỉn chu, cẩu thả
Không riêng gì đề thi “phông bạt” của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, đề kiểm tra giữa kỳ môn ngữ văn mới đây ở Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1, TP HCM) cũng khiến nhiều giáo viên (GV) và giới chuyên gia nhận xét là chưa chuẩn.
Cụ thể, đề thi gồm 2 phần đọc – hiểu. Phần 2 của đề thi lẽ ra phải là phần “Viết” thì vẫn ghi là “Làm văn”. GV ngữ văn một trường THCS còn cho rằng đề thi này đã mắc một lỗi cơ bản là trích dẫn nguồn không uy tín. Trong khi đó, yêu cầu của đề thi có câu hỏi là dành cho học sinh (HS) lớp 6 chứ không phải lớp 9. “Chưa kể, lệnh đề thi không rõ ràng, chưa chỉn chu, yêu cầu trong đề cũng mơ hồ, thiếu tường minh, gây khó khăn cho HS” – GV này đánh giá.
Một đề thi môn ngữ văn giữa học kỳ I vừa qua ở Trường THCS Hòa Hưng (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được nhiều GV, HS bàn luận cũng cho thấy nhiều bất ổn trong cách ra đề. Đề gồm 2 trang dài với 6 câu hỏi và nhiều GV, HS cho rằng phải mất nửa thời gian (của 90 phút) để đọc hết ngữ liệu đề thi.
Thầy Đỗ Đức Anh, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết ngoài những lỗi đánh máy, nhiều đề thi còn cho thấy sự cẩu thả của người ra đề. Có đề yêu cầu đọc hiểu bài thơ nhưng trích nguồn thì không ghi nhà xuất bản nào. Trong khi đó, câu đọc – hiểu lại yêu cầu xác định nội dung nguyên bài thơ. Ở phần “Viết”, HS phải đọc – hiểu cả câu chuyện để viết bài phân tích.
Với khả năng, trình độ HS lớp 9 và kỹ năng tích lũy trong nửa học kỳ, các em không thể nào làm được theo các yêu cầu của những đề thi như vậy.
Hệ lụy nếu đề thi lệch chuẩn
Theo tổ trưởng môn ngữ văn một trường THPT tại quận 1, việc ra đề thi không được lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa tưởng chừng chỉ là sự thay đổi nhỏ. Thế nhưng, nếu GV không có quá trình chuẩn bị thì dễ rơi vào tình trạng “loạn ra đề”.
Ở chương trình cũ, bao nhiêu năm vẫn chỉ có bấy nhiêu đó tác phẩm. GV dạy hết khóa này đến khóa khác, thậm chí thuộc luôn bài mình giảng. Khi có sự thay đổi, đòi hỏi phải chọn ngữ liệu khác sách giáo khoa, nhiều GV không khỏi lúng túng, khó khăn.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc ra đề thi rất quan trọng vì có vai trò phản ánh, đánh giá mức độ sản phẩm đầu ra là năng lực của HS, từ đó tác động ngược lại quá trình dạy và học.
Từ thực tế giảng dạy, ra đề, thầy Võ Kim Bảo, GV Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết hiện nay có thực trạng nhiều hội, nhóm kinh doanh giáo án, bài soạn sẵn, núp bóng các “ngân hàng đề thi”. Tình trạng này đòi hỏi các thầy cô phải tỉnh táo. GV phải tự rèn luyện cho mình năng lực chọn nguồn tài liệu, ngữ liệu.
Theo thầy Đỗ Đức Anh, nhiều đề thi đề cập các vấn đề thời sự nóng nhưng chưa hẳn có tính giáo dục. Người ra đề cần cẩn trọng chọn ngữ liệu để mang lại giá trị giáo dục thật sự của đề thi.
Trước thực tế nhiều đề thi được gọi là “mở, theo trào lưu” như hiện nay, giảng viên ngữ văn một trường ĐH tại TP HCM nhận xét nếu muốn ra đề thi mở, trước hết GV cần phải hiểu “mở” là gì. Mở không phải là chạy theo các vấn đề thời sự mà là mở ở tư duy, quan điểm, cách nhìn nhận, linh hoạt giải quyết vấn đề, giải quyết tình huống đời sống, hiện thực xã hội. Do đó, GV phải bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng khi ra đề thi.
“Nếu đề thi chỉ phục vụ một xu hướng, trào lưu thì không ổn, bởi xu hướng, trào lưu ấy chỉ phục vụ một nhóm người. Chọn chủ đề đưa vào đề thi là khâu quan trọng, phải nêu được vấn đề mang tính thời đại, nhân văn, giáo dục…, chứ không phải chạy theo trào lưu, xu hướng” – giảng viên này nhấn mạnh.
Xác định mục tiêu khi ra đề
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu trước khi ra đề thi, GV và nhà trường cần xác định mục tiêu năng lực cần kiểm tra đánh giá, bảo đảm phù hợp mục tiêu giáo dục của nhà trường, của môn học hoặc hoạt động giáo dục. Hình thức kiểm tra, đánh giá phải đáp ứng được yêu cầu về phát triển năng lực của HS…