Quét “xác ướp la hét” 3.500 tuổi, lộ sự thật kinh hoàng

Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà X-quang học Sahar Saleem của Đại học Cairo và nhà nhân chủng học Samia El-Merghani của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã tiến hành khám nghiệm xác ướp “người phụ nữ la hét” để tìm ra sự thật về bà.

Xác ướp này có niên đại khoảng 3.500 năm, được chôn cất trong lăng mộ của Semnut, một kiến trúc sư hoàng gia thuộc triều đại thứ 18 của Tân Vương quốc Ai Cập.

Quét "xác ướp la hét" 3.500 tuổi, lộ sự thật kinh hoàng- Ảnh 1.

Xác ướp người phụ nữ la hét và khuôn mặt được tái hiện trên quan tài. Bà được xác định là một phụ nữ quý tộc, được chôn cất công phu – Ảnh đồ họ

Đó là một triều đại rạng rỡ của Đế quốc Ai Cập cổ đại, được trị vì bởi Pharaon Hatshepsut, người được ca ngợi là nữ pharaoh vĩ đại nhất, đã để lại cho hậu thế nhiều công trình độc đáo.

Kiến trúc sư Semnut được chôn cất rất xa hoa. Lăng mộ của ông bao gồm một phòng riêng cho mẹ ông và những người họ hàng khác không rõ danh tính, được phát hiện vào năm 1935.

Người phụ la hét nằm trong số các xác ướp họ hàng đó.

Xác ướp của bà được đặt trong một chiếc quan tài gỗ với 2 chiếc nhẫn bằng bạc và vàng có chạm khắc hình bọ hung bằng đá jasper, đầu đội một bộ tóc giả được tết rất công phu.

Ban đầu người ta cho rằng bà không được tôn trọng vì chỉ có trái tim được lấy ra đặt vào bình, các nội tạng khác thì không, ngụ ý một quy trình ướp xác kém.

Việc miệng xác ướp há to cũng làm tăng thêm hoài nghi, bởi theo quy trình chuẩn, lẽ ra những người xử lý thi hài phải dùng băng cố định hàm dưới người quá cố ngay sau khi họ qua đời.

Tuy nhiên trong nghiên cứu mới, phương pháp quét CT cùng nhiều kỹ thuật có độ chi tiết cao khác như dùng kính hiển vi điện tử, quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier và phân tích nhiễu xạ tia X tiết lộ bà được ướp bằng các vật liệu nhập khẩu đắt tiền như bách xù và nhũ hương.

Bên dưới bộ tóc giả – được dệt từ sợi cây chà là – mái tóc tự nhiên của bà đã được nhuộm bằng cây bách xù và cây lá móng.

Bản thân bộ tóc giả đã được xử lý bằng các tinh thể thạch anh, magnetite và albite. Điều này sẽ làm cứng các sợi bện và nhuộm chúng thành màu đen để giống với tóc thật.

Tất cả đều cho thấy bà đã được an táng theo cách tốt nhất, xa hoa nhất, vì vậy việc “bỏ quên” nội tạng hay khuôn miệng há ra càng khó hiểu.

Ngoài ra, tư thế an nghỉ của người phụ nữ cũng kỳ lạ. Hai tay bà đặt trên xương chậu, thay vì tay trái được đặt ngang ngực và tay phải đặt xuống bên cạnh, như thường thấy ở phụ nữ hoàng gia.

Vậy điều gì đã xảy ra?

Theo các tác giả, trong những trường hợp hiếm hoi, các cơ của người sắp chết có thể đông cứng và khóa chặt tại chỗ và duy trì như vậy cho đến giai đoạn co cứng tử thi.

Hiện tượng này đã được y học hiện đại báo cáo trong những ca tử vong đặc biệt, khi người chết chấm dứt cuộc đời đột ngột trong trạng thái cực kỳ khó chịu.

Tuy hiện tượng này vẫn gây tranh cãi nhưng đó là cách giải thích phù hợp duy nhất đối với người phụ nữ la hét. Rõ ràng những người xử lý thi hài đã cố gắng nhưng bất lực để tiến hành đủ các bước ướp xác theo thông lệ.

Số phận thực sự của người phụ nữ này và cách bà chết có lẽ sẽ không bao giờ được biết. Tuy vậy, nghiên cứu mới cho phép chúng ta suy đoán.

TS Saleem cho biết trước đây bà đã từng nghiên cứu hai xác ướp miệng mở khác từ Ai Cập cổ đại.

Trong đó, một xác ướp được cho là hoàng tử Pentawere, bị cắt cổ họng vì tội ám sát cha mình là Pharaoh Ramesses III (năm 1185-1153 trước Công Nguyên).

Xác ướp thứ hai là một người phụ nữ được biết đến với tên gọi “Công chúa Meritamun”, người đã chết vì một cơn đau tim.