QUAN SÁT VÀ BÌNH LUẬN: Kết cục không tránh khỏi

Ngày 7-11 vừa qua, Nga hoàn tất quá trình pháp lý nội bộ của việc rút hoàn toàn ra khỏi Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE). Ngay sau đó, NATO tuyên bố ngừng hoàn toàn việc tuân thủ hiệp ước này. Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, tiến trình giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang ở châu Âu đã sụp đổ.

CFE được ký kết năm 1990 giữa Mỹ và NATO với Liên Xô và các nước thành viên khối Warsaw, có hiệu lực chính thức từ năm 1992, nội dung được sửa đổi vào năm 1996 – thời điểm Liên Xô và khối Warsaw đã tan vỡ. 

Nội dung chính của CFE là hạn chế tập trung lực lượng quân đội và vũ khí hạng nặng ở vùng ranh giới giữa hai bên, trao đổi thông tin về thay đổi triển khai quân đội ở vùng này. Mục đích của CFE còn là xây dựng và tăng cường lòng tin lẫn nhau, minh bạch trong hoạt động quân sự để giảm nguy cơ xung đột.

QUAN SÁT VÀ BÌNH LUẬN: Kết cục không tránh khỏi - Ảnh 1.

Bộ trưởng các nước thành viên NATO tham dự Hội nghị Phòng thủ mạng NATO tại Berlin – Đức hôm 9-11. Ảnh: REUTERS

Trên thực tế có 2 phiên bản CFE và NATO chỉ sẵn sàng thực hiện phiên bản năm 1990. Vì hành động này của NATO mà có thể thấy ngay từ năm 1996 đã tiềm ẩn nguy cơ CFE sẽ bị hủy bỏ. Năm 2007, Nga ngừng thực hiện CFE và năm 2015 ngỏ ý rút khỏi hiệp ước này. Vào tháng 6 vừa qua, Nga khởi động quy trình pháp lý nội bộ cho việc rút khỏi CFE.

Cú hích quyết định khiến cho CFE bị chuyển từ tình trạng “nửa sống nửa chết” sang “chết hẳn” là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ngoài ra còn có những yếu tố khác như NATO tiếp tục mở rộng, Mỹ và NATO quyết tâm hậu thuẫn Ukraine đến cùng về tài chính và quân sự, Nga và NATO đối địch nhau và cuối cùng là tiến trình giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ cũng đã hoàn toàn đổ vỡ. Nhìn nhận như thế sẽ thấy CFE không thể có kết cục nào khác ngoài việc bị xóa sổ.

Có nhiều quốc gia châu Âu tham gia CFE chứ không chỉ có riêng Nga và NATO. Nhưng một khi cả Nga và NATO đều không thực thi nữa thì tác dụng thực tế của CFE chỉ còn rất nhỏ, nếu không muốn nói là không còn đáng kể gì đối với an ninh ở châu Âu. 

Cục diện chính trị, quân sự và an ninh cũng như quan hệ giữa các quốc gia ở châu Âu hiện tại đã thay đổi cơ bản so với năm 1990 và 1996, thay đổi sâu rộng đến nỗi CFE ở cả hai phiên bản đều trở nên lỗi thời.

Mối quan hệ giữa Nga với NATO hiện căng thẳng và đối địch quyết liệt tới mức mọi thỏa thuận hợp tác hay ràng buộc lẫn nhau đã được ký kết về quân sự và an ninh, trong đó có giải trừ quân bị, không còn có thể tuân thủ và thực thi đầy đủ. 

Nga thậm chí còn rút lại sự phê chuẩn Hiệp ước của Liên Hiệp Quốc về cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) để tạo thế “Mỹ sao thì Nga vậy”. Trong chiều hướng như thế, việc CFE mãi đến bây giờ mới bị Nga và NATO chấm dứt hiệu lực hãy còn là muộn.

Kết cục này khẳng định 3 chiều hướng diễn biến tình hình chính trị an ninh ở châu Âu. Thứ nhất là mối quan hệ giữa NATO và Nga tiếp tục căng thẳng và đối đầu lẫn nhau. Thứ hai là cuộc xung đột ở Ukraine còn gia tăng mức độ quyết liệt và dai dẳng. Thứ ba là châu Âu tiếp tục bất an, bất ổn.