Trụ sở Uỷ ban nhân dân phường Kim Mã – quận Ba Đình.

Phải chăng chính quyền đang “tham bát bỏ mâm”?

Vụ việc bắt đầu vào năm 2020 sau khi bà Trần Hồng Ngọc ở 240 Hàng Bông, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kết hôn cùng ông Lee Wei Ern Robin (Quốc tịch Malaysia) tại Kuala Lumpur (Vương quốc Malaysia). Cũng từ đó, với tất cả tình yêu thương, kính trọng đất nước con người Việt Nam, trong năm 2019 ông bà đã quyết định đầu tư mua lại mảnh đất và xây căn nhà tại địa chỉ 244 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội – Thủ đô nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Do bất đồng về ngôn ngữ và không hiểu biết nhiều về thủ tục hành chính của Việt Nam nên mảnh đất vợ chồng ông Lee Wei Ern Robin và bà Trần Hồng Ngọc đầu tư tại 244 Kim Mã đứng tên bà Trần Hồng Ngọc. Trong quá trình xin cấp phép xây dựng và hoàn thiện công trình, ông bà Lee Wei Ern Robin và bà Trần Hồng Ngọc có uỷ quyền cho ông Trịnh Quốc Cường (ở 23 ngõ 192 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) làm các thủ tục hành chính với chính quyền địa phương và giám sát công trình đến lúc hoàn thiện.

Thời gian xin cấp phép và xây dựng, đều được người uỷ quyền gửi những giấy phép xây dựng, đề án thiết kế đã được phê duyệt… cho ông bà Lee Wei Ern Robin và Trần Hồng Ngọc ở Malaysia để cùng thống nhất phương án xây dựng hoàn thiện. Về phía ông bà Lee Wei Ern Robin và Trần Hồng Ngọc cũng không hoàn toàn hiểu rõ trình tự pháp lý trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại Việt Nam để xây dựng hoàn thiện ngôi nhà.

Đến năm 2021, ngôi nhà đã hoàn thiện theo đúng mẫu thiết kế đã được các bên tư vấn ở Malaysia thông qua. Cũng từ đó đến nay, vì điều kiện công việc ông bà Lee Wei Ern Robin và Trần Hồng Ngọc ít khi có dịp về ngôi nhà của mình và vẫn uỷ quyền cho ông Trịnh Quốc Cường trông nom giúp. Nhưng mỗi khi về thủ đô Hà Nội gia đình ông bà Lee Wei Ern Robin và Trần Hồng Ngọc vẫn tá túc thường xuyên hợp pháp tại ngôi nhà 244 Kim Mã.

Từ Malaysia, qua trao đổi, ông bà Lee Wei Ern Robin và Trần Hồng Ngọc nắm vấn đề như sau, suốt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, ngôi nhà không hề nhận được cảnh báo về dấu hiệu sai phạm trật tự xây dựng từ chính quyền địa phương là UBND phường Kim Mã. Khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, ngôi nhà cũng đã được nghiệm thu mọi điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như các yếu tố kỹ thuật từ các cơ quan chức năng Việt Nam.

Đến nay ngôi nhà đã được sử dụng 4 năm liên tiếp, tầng 1 có cho phép một ngân hàng thuê làm trụ sở, các tầng khác người nhà ông bà Lee Wei Ern Robin và Trần Hồng Ngọc cho ở nhờ sinh hoạt bình thường… Toàn bộ quá trình sinh hoạt không gặp bất kỳ sự phàn nàn nào của hàng xóm cũng như chính quyền địa phương. Cho đến khi bị “hỏi thăm” về mật độ xây dựng, ông bà Lee Wei Ern Robin và Trần Hồng Ngọc cũng gương mẫu chấp hành nộp phạt số tiền phạt theo hướng dẫn của chính quyền địa phương để tồn tại.

Nhưng từ lá đơn của 1 người tên Vũ Chí Thắng (sinh năm 1973 ở số 6 Nguyễn Gia Thiều, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tố cáo các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận Ba Đình và phường Kim Mã… khiến ngôi nhà 244 Kim Mã bỗng nhiên “bị liệt” vào diện vi phạm mật độ xây dựng quá 15% và bằng mọi cách bị chèn ép phải phá dỡ… mặc dù so với các công trình vi phạm đình đám khác như bệnh viện Hồng Ngọc trên phố Yên Ninh, số 61 Hàng Than, công trình “lâu đài” cạnh ngõ 90 Đội Cấn, công trình lô B3 phía Nam số 13 phố Sơn Tây, công trình phố Lê Trực… việc vi phạm của 244 Kim Mã là không đáng kể, không ảnh hướng đến hộ hàng xóm và cảnh quan xung quanh.

Đặc biệt trong thời gian qua, từ Kuala Lumpur (Vương quốc Malaysia), ông bà Lee Wei Ern Robin và Trần Hồng Ngọc liên tục có thư ngỏ, đơn cầu cứu gửi các cấp, ngành thành phố Hà Nội trình bày và yêu cầu đưa ra những lý do khách quan chứng minh không có sự “phân biệt đối xử” làm khó dễ nhà đầu tư nước ngoài nhưng không hề nhận được hồi âm.

Thậm chí, với vai trò quản lý nhân khẩu, quản lý địa bàn trong các văn bản đòi cưỡng chế, đòi “đập nhà”, đòi cắt điện nước, yêu cầu những người đang sinh sống hợp pháp trong ngôi nhà 244 Kim Mã ra khỏi nhà… UBND phường Kim Mã thường lờ đi vai trò của ông Lee Wei Ern Robin (một người nước ngoài đang có thiện chí sinh sống tại đất nước Việt Nam).

Có hay không việc báo cáo thiếu sót gây sai lệch hồ sơ dẫn đến chỉ đạo sai?

Đem những thắc mắc trên hỏi bà Dương Hồng Vân, Tổ phó Tổ dân phố số 2 phường Kim Mã được biết, bản thân người dân trong khu phố không hề biết ông Vũ Chí Thắng là ông nào. Trong quản lý nhân khẩu, ông này không có tên ở địa phương nên việc ông Vũ Chí Thắng khiếu kiện là vô lý không thể chấp nhận. Đấy là chưa tính đến việc làm của ông này đang cố tình gây rối làm hỏng “tình làng nghĩa xóm”, mất đi sự thiện chí của người dân khu phố với những người hàng xóm đến từ phương xa.

Cũng đồng quan điểm trên, ông Lưu Tế, đại diện Mặt Trận tổ quốc và Thanh Tra nhân dân phường Kim Mã cho biết, tôi không biết anh viết đơn kiện này ở đâu, làm gì, tôi chưa thấy một trường hợp nào như thế này, cứ kiện đi kiện lại, mời lên làm việc thì không lên. Anh có kiện thì cũng phải đầy đủ các yếu tố để chúng tôi làm việc với các bên chứ? Với những trường hợp không minh bạch thế này, tôi đề nghị làm rõ. Không thể để những trường hợp kiện nữa, kiện mãi mà không rõ ràng thế này.

Chia sẻ quan điểm về những công trình sở hữu có yếu tố liên quan đến người nước ngoài, ông Lưu Tế bày tỏ: “… Cần phải xử lý cẩn trọng! Lúc mà người ta xây dựng thì ông không nói năng gì cả, đến lúc xây dựng rồi ông lại bảo phá đi. Theo như tôi, khi anh kiện một vấn đề gì là anh phải có căn cứ, minh bạch, rõ ràng. Anh bảo người ta sai thì sai chỗ nào, mà phải gặp gỡ nhau chứ lại cứ làm theo đơn… Bây giờ đúng sai thì đề nghị anh cũng phải có mặt…. Bây giờ ông bảo người ta sai, cái đầu tiên phải dựa trên sổ đỏ. Người ta xây trên diện tích sổ đỏ, không lấn, không xây ra ngoài diện tích đất thì là đúng rồi” và nhấn mạnh “việc kiện này mang tính vụ lợi cá nhân”.

Trao đổi với phóng viên trong một buổi trao đổi riêng, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Mã, ông Vũ Đại Thắng tỏ vẻ khá ngạc nhiên khi nghe đến yếu tố người nước ngoài trong vụ việc và bày tỏ sẽ đưa vào báo cáo trình cấp trên. Sự ngạc nhiên của ông Phó Chủ tịch cũng đồng nghĩa với việc, bấy lâu nay việc quản lý nhân khẩu ở khu vực tổ dân phố số 2 phường Kim Mã rất có vấn đề.

Việc quản lý nhân khẩu lỏng lẻo này có thể gây thiếu sót trong báo cáo, dẫn đến việc các cấp trên như UBND quận Ba Đình, hay thanh tra nhân dân thành phố luôn có những chỉ đạo sai lệch ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, quyền lợi công dân nước ngoài.

Trong thư ngỏ và đơn cầu cứu từ Malaysia gửi tới các cơ quan báo chí, ông Lee Wei Ern Robin bày tỏ: “Ngày 5/8/2024 và ngày 1/10/2024 từ Kuala Lumpur (Thủ đô Liên bang Malaysia) chúng tôi bàng hoàng nhận được thông tin, chính quyền quận Ba Đình và phường Kim Mã vẫn bất chấp tất cả thiện chí của người nước ngoài mong muốn đầu tư sinh sống lâu dài tại Việt Nam, bất chấp việc có thể ảnh hưởng đến các vấn đề ngoại giao, đoàn kết hợp tác giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc Malaysia và Việt Nam để ra một quyết định cưỡng chế 21,1m2 (tương đương 15,5% diện tích ngôi nhà đã hoàn thiện của tôi tính từ nóc xuống tầng 1)”.

“Chúng tôi khẳng định đây là một quyết định vi hiến, chưa xem xét thấu tình đạt lý và vi phạm phát luật nghiêm trọng. Nguyên trong Thông báo số 147/TB-UBND của UBND phường Kim Mã về việc thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do Phó Chủ tịch UBND phường Vũ Đại Thắng ký ngày 5/8/2024 chỉ kính gửi một mình bà Trần Hồng Ngọc mà không gửi người đồng sở hữu là chồng bà Ngọc tức ông Lee Wei Ern Robin đã là thiếu sót nghiêm trọng thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật chưa tìm hiểu kỹ vụ việc của chính quyền cơ sở. Đấy là chưa nói đến việc vì sao công trình đã được ở lâu dài từ năm 2019 đến nay bỗng dung được nhắc đến như một điển hình vi phạm… Phải chăng đây là âm mưu phá hoạt tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 quốc gia Malaysia và Việt Nam!”

Qua theo dõi báo chí trong nước, được biết quận Ba Đình (Hà Nội) đang tồn tại các công trình xây dựng “vi phạm khủng” như công trình, bệnh viện Hồng Ngọc trên phố Yên Ninh, số 61 Hàng Than, công trình “lâu đài” cạnh ngõ 90 Đội Cấn, công trình lô B3 phía Nam số 13 phố Sơn Tây, công trình phố Lê Trực… mà chưa được xử lý nghiêm, hoặc xử lý theo kiểu hời hợt. Ông Lee Wei Ern Robin nhấn mạnh thêm, vậy cơn cớ gì một công trình dân sự đã hoàn thiện và sinh sống hợp pháp nhiều năm của chúng tôi bỗng dưng nhận được yêu cầu cưỡng chế. Phải chăng chính quyền phường Kim Mã, quận Ba Đình cố tình đem công trình của gia đình chúng tôi “xử điểm” để báo cáo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” để những công trình sai phạm lớn kia mặc nhiên tồn tại.

“Do đó, việc bỗng nhiên bị yêu cầu xử lý vi phạm trong quá khứ của một công trình đã đưa vào sử dụng cần xem xét các yếu tố lịch sử, yếu tố quan hệ ngoại giao và trên hết là yếu tố an toàn của công trình. Với cá nhân tôi, một công dân nước ngoài luôn coi Việt Nam là quê hương thứ 2 để có thể lựa chọn sinh sống và đóng góp phần xây dựng phát triển đất nước. Thêm vào sự hiểu biết về pháp luật, văn hoá, phong tục giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế, tôi tha thiết đề nghị các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, quận Ba Đình và phường Kim Mã tạo mọi điều kiện cho phép ngôi nhà đã hoàn thiện của tôi được giữ nguyên hiện trạng khi không gây nguy hiểm và áp lực với hàng xóm xung quanh.” – ông Lee Wei Ern Robin khẳng định.

Đã đến lúc vụ việc cần khép lại, theo trình bày của ông Phạm Quốc Hùng – Tổ trưởng tổ thanh tra xây dựng phường Kim Mã, không có chuyện địa phương chỉ xem xét đơn thư của cá nhân ông Vũ Chí Thắng mà lờ đi, “vứt xó” đơn thư trình bày có yếu tố người nước ngoài của chủ đầu tư công trình 244 Kim Mã. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến bà con hàng xóm, các cấp hội để báo cáo cấp trên giải quyết thấu tình đạt lý.

Minh Quân