Ngày 31-10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN”.
Việt Nam có thế mạnh
Phát biểu tại đây, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho biết khu vực Đông Nam Á – Nam Á – Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal khi số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người. Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỉ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỉ USD.
Các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm bên lề “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN
Theo bà Cao Thị Phi Vân, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, thủy sản lớn trên thế giới, có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal và là một nước hội nhập sâu. Nhiều quốc gia Hồi giáo là các thị trường tiêu dùng hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới như Ả Rập Saudi, Indonesia, Malaysia… quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển ngành hàng Halal. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang |thị trường Halal, 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN chỉ trên 26,37 tỉ USD, khá khiêm tốn so với tiềm năng.
“Cộng đồng người Hồi giáo có hơn 2 tỉ người sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, chiếm 25% dân số thế giới. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á (62%), nhất là trong khối ASEAN.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nhìn nhận thị trường Halal rất rộng lớn và doanh nghiệp (DN) Việt vẫn đang ở bước đầu khai phá.
“Để chuẩn bị cho quy trình cấp chứng nhận Halal đối với một sản phẩm, DN phải qua 12 bước. Tuy nhiên, giấy chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn và không được công nhận như nhau ở các thị trường…” – bà Chi chỉ ra một số thách thức khiến xuất khẩu thực phẩm Halal còn thấp, đồng thời nhận xét thời gian gần đây, nhiều DN lương thực – thực phẩm chủ động tìm hiểu, nghiên cứu quy trình, yêu cầu riêng biệt của từng thị trường Halal như Vinamilk, Mikko, Bibica, Cholimex, Hùng Hậu…. và đã xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước Hồi giáo.
Chủ động nắm cơ hội
Khẳng định tiềm năng của thị trường Halal, ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP HCM, thông tin năm 2021, tổng tiêu dùng hàng hóa Halal và dịch vụ (chưa kể dịch vụ tài chính) của các nước Hồi giáo đã đạt 2.000 tỉ USD, khả năng đến năm 2025 sẽ đạt 2.800 tỉ USD. Tiêu dùng thực phẩm Halal tăng 6,9% trong các năm đại dịch COVID-19, dự kiến đến năm 2025 đạt trên 1.600 tỉ USD.
Ngoài ra, sản phẩm thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch phục vụ cộng đồng Hồi giáo cũng đang tăng trưởng mạnh. Theo ông, tiêu chuẩn Halal không chỉ phục vụ người Hồi giáo mà còn là chứng nhận vệ sinh an toàn chất lượng và đẳng cấp sản phẩm, giúp sản phẩm Halal tiêu thụ tốt ngoài cộng đồng Hồi giáo. Vì vậy, thay vì băn khoăn có nên đầu tư để đón đầu các cơ hội thị trường Halal, DN nên quan tâm làm thế nào để nắm bắt các cơ hội to lớn trong thị trường này.
Theo bà Rosmizah Binti Mat Jusoh, Lãnh sự Thương mại – Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP HCM, đang có khoảng cách giữa cung cầu sản phẩm cho thị trường Halal và Việt Nam còn non trẻ trong thị trường Halal nên cần xây dựng hệ sinh thái cho sản phẩm Halal. “Còn nhiều việc phải làm, nhiều cơ hội chưa khai mở. DN cần hợp tác logistics, xây dựng năng lực nội tại. Chúng tôi có thể hỗ trợ DN, nhà sản xuất từng bước xây dựng quy trình đạt chuẩn Halal cho sản phẩm” – bà Rosmizah Binti Mat Jusoh nói.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết UBND thành phố đang triển khai các hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất – tiêu dùng xanh và xuất khẩu bền vững.
Để tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam, UBND TP HCM đề nghị ITPC tiếp tục phối hợp Sở Công Thương và lãnh sự quán các nước triển khai những chương trình hội thảo, diễn đàn đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu các khó khăn thực tế mà DN gặp phải cũng như năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu Halal vào các quốc gia Hồi giáo trên thế giới. Từ đó, tham mưu đề xuất UBND TP HCM các giải pháp hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu Halal.
Cần sự phối hợp nhà nước – doanh nghiệp
Ông Tee Ramlan, Giám đốc Vietnam Halal Center (VHC), cho rằng cần xúc tiến, quảng bá, làm các chương trình hội thảo để DN nhận biết về Halal nhiều hơn. “Halal không chỉ là một logo chứng nhận, DN phải hiểu văn hóa Hồi giáo thích ăn gì, mặc gì để làm sản phẩm phù hợp. Sau khi có sản phẩm, cần kết nối đưa sản phẩm vào chuỗi cung – cầu. VHC đã hợp tác với các cơ quan của Việt Nam để quảng bá Halal trên diện rộng và một cách chuyên nghiệp” – ông Tee Ramlan thông tin.
Từ kinh nghiệm làm việc cũng như tư vấn Halal cho các DN sản xuất cà phê, trà, hạt điều, nước mắm…, ông Tee Ramlan cho rằng cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và DN để các DN có tiềm năng tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang các thị trường Halal.