Một trong những lý do chính khiến ung thư tuyến tụy gây tử vong cao là do rất khó phát hiện sớm, hầu như không biểu hiện triệu chứng cho tới khi di căn sang các cơ quan khác – theo bệnh viện Mayo (Mỹ).
Gần đây, mô hình chẩn đoán sớm do các nhà khoa học AI của Viện DAMO thuộc Tập đoàn Alibaba và các nhà nghiên cứu từ hơn 10 bệnh viện Trung Quốc, bao gồm Viện Các bệnh về tụy Thượng Hải, phát triển chung đã cho thấy nhiều kết quả hứa hẹn.
Điều trị bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy tại bệnh viện Sarasota Memorial, bang Florida – Mỹ Ảnh: HERALD-TRIBUNE
Mô hình này kết hợp phương pháp chụp cắt lớp không thuốc phản quang với một thuật toán AI được nhóm nghiên cứu đặt tên là PANDA. Theo công trình đăng trên tạp chí Nature Medicine ngày 27-11, nhóm nghiên cứu cho biết PANDA được huấn luyện dựa trên hơn 3.200 bộ hình ảnh về ung thư tuyến tụy.
Khi thử nghiệm thực tế, khả năng phát hiện các khối u tuyến tụy của mô hình AI nói trên lên tới 92,9%, so với 34,1% của chụp X-quang. Ông Li Ruijiang, chuyên gia tại Trường Y khoa Stanford (Mỹ), đánh giá nghiên cứu trên là “bước đi đúng hướng quan trọng trong chẩn đoán ung thư tuyến tụy”.
Theo báo South China Morning Post, nghiên cứu hồi tháng 4 năm nay của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho thấy tỉ lệ tử vong của ung thư tuyến tụy tăng 0,2% mỗi năm trong giai đoạn 2006-2019. Các nghiên cứu chỉ ra phát hiện sớm có thể giúp bệnh nhân sống thêm khoảng 9,8 năm, còn chẩn đoán trễ thì khoảng thời gian này chỉ còn 1,5 năm.
“Độ chính xác của thuật toán PANDA vượt trội hơn hẳn các phương pháp chẩn đoán hiện nay” – chuyên gia y khoa người Đức Joerg Kleeff và các đồng nghiệp cùng chung nhận định. Tuy nhiên, họ nhắc nhở rằng còn phải nghiên cứu nhiều hơn nữa trước khi ứng dụng rộng rãi phương pháp chẩn đoán bằng AI.