Theo The Guardian, tuyên bố được ông Geert Wilders, một thành viên Hạ viện Hà Lan, đưa ra hôm 25-11.
Ông Wilders bày tỏ sự thất vọng với các bên khác vì không sẵn lòng thỏa hiệp với Đảng Vì tự do (PVV) của ông. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ “tiếp tục tiết chế” các quan điểm của mình nếu cần thiết để giành được quyền lực.
“Hôm nay, ngày mai hoặc ngày kia, PVV sẽ là một phần của chính phủ và tôi sẽ là thủ tướng của đất nước xinh đẹp này” – “Donald Trump Hà Lan” viết.
Ông Geert Wilders phát biểu trước giới truyền thông sau cuộc đàm phán về việc thành lập liên minh tại Hạ viện Hà Lan – Ảnh: EPA
Mặc dù PVV, với lập trường chống nhập cư, đã vượt lên dẫn trước các đối thủ trong cuộc bỏ phiếu ngày 22-11, song đảng này được dự báo chỉ chiếm 25% số ghế trong quốc hội Hà Lan. Điều này có nghĩa là ông Wilders sẽ phải hợp tác với ít nhất 2 đảng ôn hòa hơn để thành lập chính phủ.
Hôm 24-11, Đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của thủ tướng tạm quyền, cho biết sẽ không tham gia vào nội các với ông Wilders. Dù vậy, lãnh đạo mới của VVD là ông Yeşilgöz-Zegerius không loại trừ đề nghị hỗ trợ từ bên ngoài trong việc ông Wilders thành lập chính phủ.
Ông Pieter Omtzigt, người lãnh đạo Đảng Khế ước xã hội mới (NSC), được coi là một đối tác tiềm năng trong chính phủ của ông Wilders, cho biết việc hợp tác sẽ khó khăn vì những quan điểm cực đoan của nhà lãnh đạo PVV. Thậm chí, ông Omtzigt cho rằng những quan điểm này “dường như vi phạm các biện pháp bảo vệ hiến pháp của Hà Lan với quyền tự do tôn giáo”.
Ông Wilders là một chính trị gia dân túy cực hữu và có tư tưởng bài Hồi giáo, ủng hộ việc “phi Hồi giáo hóa” Hà Lan. Dù vậy, trong cuộc bầu cử vừa qua, ông thể hiện quan điểm ôn hòa hơn về đạo Hồi so với trước đây.
Các cuộc đàm phán liên minh ở Hà Lan thường kéo dài hàng tháng với quan điểm của các bên có thể thay đổi theo thời gian. Nếu ông Wilders không thể thành lập chính phủ, về mặt lý thuyết nhiều liên minh trung dung hơn có thể loại trừ đảng của ông trong khi các cuộc bầu cử mới sẽ là giải pháp cuối cùng.