Trong cuộc sống có nhiều đôi vợ chồng không chỉ tâm đầu ý hợp mà còn chung tay trong chuyện thiện nguyện, lan tỏa lòng nhân ái với người xung quanh. Vợ chồng đại úy Nguyễn Văn Nguyên (công tác tại Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, Học viện An ninh nhân dân) và đại úy Bùi Hoàng Ly Ly (công tác tại Học viện Cảnh sát nhân dân) là hai gương sáng về hiến máu cứu người.
Nên duyên vợ chồng nhờ hiến máu
Gặp nhau lần nào, vợ chồng đại úy Nguyễn Văn Nguyên cũng có cái mới. Lần này, anh vẫn cười lạc quan: “Em bị sốt xuất huyết, phải nghỉ ít ngày. Nhưng ngay sau đó lại tiếp tục công việc cơ quan và các dự án”. Giọng hồ hởi, nhiệt tình, Nguyễn Văn Nguyên đưa tôi trở lại chuyện tình của hai vợ chồng. Phải nói, hai người nên duyên nhờ… hiến máu.
Trong chương trình “Hành trình đỏ” tại Hà Nội năm 2013, trời mưa tầm tã, Nguyên và Ly Ly đã cùng hiến máu và chỉ nói chuyện với nhau vài phút. Trận mưa đem lại một cảm giác đặc biệt, khó diễn tả. Họ đã nói với nhau nhiều hơn. Thế rồi, thêm một lần họ được “chung nhau”.
Đó là một hôm Ly Ly thấy mình và Nguyên xuất hiện trên cùng một bài báo và thấy ấn tượng hơn về nhau. Tưởng rồi chuyện đó qua đi, mấy tháng sau, trong chương trình hiến máu khác, hai người gặp lại với cảm xúc xao xuyến… Lần này thì Nguyên đã thấm thía hình ảnh của Ly Ly lắm rồi.
Nhớ lại ngày đó, Nguyên chia sẻ: “Đất trời có bốn mùa xuân hạ thu đông, riêng chúng tôi có thêm một mùa nữa, là mùa yêu thương. Mà mùa yêu thương là mùa hiến máu, lúc nào cần là chúng tôi lên đường”. Còn chị Ly Ly tâm sự: “Lý lịch của anh ấy thì tôi không phải bàn nữa, bởi tổ chức đã thẩm tra rồi. Hai chúng tôi hiểu, rồi nhanh chóng đến với nhau”.
Gia đình anh Nguyên và chị Ly Ly trong một sự kiện tôn vinh người hiến máu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Hai người tiến đến hôn nhân trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Nếu như năm 2013, Nguyên và Ly Ly vẫn chỉ là hai người xa lạ thì năm 2014 đã trở thành một đôi. Một gia đình thật đặc biệt. Mỗi khi tháng 7 về, tại mỗi kỳ tổng kết “Hành trình đỏ” gia đình Nguyên Ly lại cùng nhau đi hiến máu.
Để nhớ về kỷ niệm ngày mưa và để lưu lại những kỷ niệm, dấu mốc của cuộc đời, Nguyên có làm tặng vợ một bài thơ xúc động, trong đó có đoạn: “Hà Nội chật mà mình chẳng gặp nhau/ Bỗng một ngày mưa hai đứa mình chạm mặt/ Nụ cười xinh làm tim ai thao thức/ Bước qua rồi để lại những ngẩn ngơ/ Sân Mỹ Đình ngày ấy trời mưa giông/ Giọt hồng tri ân trong chuyến hành trình đỏ…”.
Hiến máu và hiến tiểu cầu cứu người
Theo tiến sĩ Ngô Mạnh Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia – Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, lực lượng công an nhân dân có truyền thống vận động cán bộ chiến sĩ tham gia hiến máu từ nhiều năm nay, đã thành lập Ban Chỉ đạo hiến máu của Bộ Công an hoạt động rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện Công an, phục vụ điều trị cho cán bộ chiến sĩ và chia sẻ nguồn máu cho các bệnh viện dân sự trên toàn quốc.
Hơn thế nữa, hoạt động hiến máu tình nguyện dịp này sẽ lan tỏa trong toàn lực lượng công an nhân dân, đặc biệt đối với những cán bộ chiến sĩ trẻ – những người sẽ tiếp tục hiến máu nhắc lại, thường xuyên trong tương lai; đồng thời lan tỏa trong cộng đồng, tác động thay đổi nhận thức đối với nhiều cấp, ngành.
Gia đình anh Nguyên và chị Ly Ly trong một lần anh chị đi hiến máu
Suốt những năm qua, hai vợ chồng cùng trở thành gương mặt quen thuộc đối với các y, bác sĩ tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức trong những lần hiến máu cấp cứu, hay trên những nẻo đường thiện nguyện “Mùa đông ấm”, “Cơm có thịt”, “Nâng bước chân em đến trường”…
Tính đến nay, Nguyên đã 93 lần hiến máu, còn Ly Ly 37 lần hiến máu. Năm 2021, Nguyên đã hiến tiểu cầu 10 lần, do năm đó đại dịch COVID-19 hoành hành, nhiều bệnh viện khó khăn, nên cứ đến hạn cho phép là anh lập tức lên đường.
Chị Ly Ly tâm sự: “Chúng tôi không bao giờ quên được quãng thời gian 2 năm chống dịch COVID-19. Đó là khoảng thời gian hai vợ chồng liên tiếp phải xử lý và tham gia hiến máu cấp cứu cho nhiều trường hợp. Hai vợ chồng tôi tham gia hiến máu tình nguyện thường xuyên và luôn duy trì ngân hàng máu sống ở cả hai cơ quan, nơi chúng tôi làm việc”. Anh Nguyên tiếp lời vợ: “Hiến máu cấp cứu luôn là việc khiến chúng tôi trăn trở nhất. Vui có, buồn có và không tránh được cả những giọt nước mắt”…
Có một lần khi đang chuẩn bị đi công tác, anh Nguyên nhận được cuộc điện thoại từ đồng đội cầu cứu hiến máu cho người nhà đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức nên đã lập tức đến bệnh viện. Khi đến nơi, Nguyên mới biết không phải là hiến máu toàn phần mà hiến tiểu cầu và rất kén người hiến. Nhiều người hiến được máu nhưng chưa chắc hiến được tiểu cầu. May mắn, hôm đó Nguyên đủ tiêu chuẩn hiến tiểu cầu giúp người nhà đồng đội. Kể từ đó, anh trở thành thành viên ngân hàng máu sống Bệnh viện Việt Đức, thân thiết với đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.
Làm sao đưa máu đến nhanh nhất
Dù nhiều lần hiến tiểu cầu, nhưng cũng có lúc anh không đạt yêu cầu do sức khỏe không bảo đảm. Mỗi lần nhận tin có ca mổ cần tiểu cầu, anh lo lắng sợ không đủ sức khỏe để hiến. Vì thế, trong sinh hoạt hằng ngày, Nguyên luôn điều độ, bảo đảm sức khỏe tốt nhất để bất cứ lúc nào có người cần là sẵn sàng giúp.
Chuyện hiến máu cứu người, có lúc phải tính bằng khoảnh khắc, chỉ chậm một chút là người bệnh không được tiếp cận kịp thời, sẽ không qua khỏi. Một lần, Nguyên đã chứng kiến đủ cung bậc cảm xúc của người nhà khi họ khóc vì biết có người đến và đạt yêu cầu để hiến. Nhưng 30 phút sau được thông báo là máu không kịp cho ca mổ, anh đã khóc.
“Đến tận giờ tôi vẫn day dứt về chuyện đó. Vì thế, khi nhận được thông tin cần hiến máu cấp cứu, vợ chồng tôi luôn cố gắng làm sao xử lý thông tin nhanh nhất để máu được kịp thời đến với người cần” – đại úy Nguyên kể.
Còn với chị Ly Ly, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nhiều năm hoạt động là về thầy giáo trong ngành công an bị ung thư, cần được truyền máu, tiểu cầu gấp trong Tết Nguyên đán 2013. Mùng 4 Tết, Ly Ly đọc được thông tin cứu trợ cho thầy trên mạng.
Sau khi tính toán các nguồn có thể lấy máu, ngày mùng 5 Tết, cô bắt xe xuống Hà Nội, được tra cứu từng trường hợp. Chỉ 3 trong số 200 người đăng ký có đủ điều kiện hiến máu và một trường hợp lấy được tiểu cầu nên suốt hai ngày, Ly Ly phải căng óc tìm thêm nguồn cứu trợ. Sang ngày mùng 7 Tết, thầy giáo bị xuất huyết não, liệt nửa người và mùng 10 thì qua đời. Dù đã cố hết sức giúp đỡ người mình chưa từng gặp nhưng Ly Ly vẫn sốc trước sự ra đi của thầy.
Từ đó, Ly Ly tích cực tuyên truyền, vận động bạn bè, học viên tham gia hiến máu. Ly Ly nhiều lần dẫn hàng trăm sinh viên Học viện Cảnh sát hiến máu ở các chương trình “Hành trình đỏ”, “Chủ nhật đỏ”, “Ngày hội Tình nguyện”, “Lễ hội Xuân hồng”…
Chị từng là 1 trong 100 người hiến máu tiêu biểu được tuyên dương tại Phủ Chủ tịch. Chị còn nhận được bằng khen của Bộ Y tế, Giấy khen của Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu, làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều lần tổ chức cho đoàn viên tham gia các chương trình thiện nguyện, giúp người.
Tấm gương cho người thân, đồng đội
Đây là đôi vợ chồng đặc biệt, không chỉ bởi họ làm cùng ngành, cùng muốn chia sẻ lòng nhân ái, mà còn luôn tạo điều kiện cho nhau, lan tỏa lòng nhân ái đó đến với đồng nghiệp, cộng đồng, người thân trong gia đình đôi bên. Noi gương chị, em gái chị Ly Ly là trung úy Bùi Hoàng Cẩm Ly, cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa (Hà Nội), hiến máu 15 lần.
Chị Cẩm Ly nói về vợ chồng chị gái: “Anh chị ấy lan tỏa tinh thần tương trợ, giúp đỡ đến nhiều chiến sĩ công an. Sau khi sinh con trai thứ hai, chính vợ chồng anh chị đã hiến cuống rốn của con ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bổ sung vào ngân hàng tế bào gốc thế giới để giúp cộng đồng hỗ trợ chữa bệnh về máu, tế bào”.
Ngưỡng mộ hai vợ chồng đại úy Nguyên, thượng úy Trần Văn Phú (hiện công tác tại Đội tổng hợp, Công an TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Khi còn là sinh viên đang học tập tại Bắc Ninh, noi gương vợ chồng anh Nguyên, tôi từng vượt 700 km vào Huế để kịp thời hiến máu cứu người”.
Phút giây hạnh phúc giữa đời thường của đôi vợ chồng trẻ
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH