• Trang chủ
  • Doanh nhân
  • Doanh nhân Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc điều hành Selex Motors: Tự tạo cơ hội trong nguy cơ

Doanh nhân Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc điều hành Selex Motors: Tự tạo cơ hội trong nguy cơ

Doanh nhân Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Giám đốc điều hành Selex Motors: Tự tạo cơ hội trong nguy cơ

Khởi nghiệp với căn phòng 10 m2, TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên cùng đội ngũ đã vượt qua nhiều khó khăn, từng bước xây dựng Công ty cổ phần Phương tiện điện thông minh Selex (Selex Motors) hướng tới mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi xe điện tại Việt Nam.

Đội ngũ sáng lập Selex Motors - từ trái qua phải: Nguyễn Đình Quảng, TS. Nguyễn Trọng Hải và TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên
Đội ngũ sáng lập Selex Motors – từ trái qua phải: Nguyễn Đình Quảng, TS. Nguyễn Trọng Hải và TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên.

Giải pháp cốt lõi

Xe điện đang là xu hướng, song theo TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên, việc chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn khi chưa giải quyết được 2 yếu tố then chốt là chi phí đầu tư cho xe điện và sự tiện lợi trong việc nạp lại năng lượng.

Cụ thể, đa số dòng xe điện hiện nay đều mất thời gian khá dài (3 – 8 tiếng) để sạc đầy pin, khá bất tiện so với việc đổ xăng chỉ trong vòng vài phút, đặc biệt là với doanh nghiệp vận tải, những đơn vị luôn cần phương tiện vận hành liên tục. Giá xe điện thường đắt hơn xe xăng (có chất lượng tương đương), trong đó, pin chiếm khoảng một nửa giá xe, nên rất khó cạnh tranh.

Để giải quyết vấn đề cốt lõi này, Selex Motors đã đưa ra giải pháp hệ sinh thái đổi pin cho xe điện với 4 phần chính là xe máy điện thông minh; pin có tính tương thích cao; trạm đổi pin tự động và nền tảng quản lý sử dụng công nghệ IoT. Trong đó, hệ thống đổi pin là trọng tâm.

Thay vì mất nhiều giờ đồng hồ để sạc pin, người dùng chỉ cần chưa đến 2 phút để thuê pin, đổi pin đã được sạc đầy để sử dụng cho 150 km tại các điểm đổi pin của Selex Motors. Chi phí đổi pin cũng rẻ hơn 30% so với giá xăng tính trên cùng một quãng đường đi được.

TS. Nguyên cùng đội ngũ  đã nghiên cứu và phát triển công nghệ bản quyền sản xuất ra loại pin có tính tương thích cao, sử dụng tốt cho 70% chủng loại xe máy điện đang lưu hành trên thị trường. Nhờ đó, khách hàng của các hãng xe điện có thể cùng chia sẻ mạng lưới đổi pin, mở ra cơ hội xây dựng hạ tầng năng lượng chung cho xe máy điện.

Đến nay, Selex Motors đã xây dựng được 70 điểm đổi pin tại Hà Nội và TP.HCM, giúp người sử dụng dễ dàng nạp năng lượng trên mọi nẻo đường.

“300 km là con số không thể đối với đa số xe điện trên thị trường, nhưng với Selex Motors thì có thể nói là rất nhẹ nhàng và tiện lợi, thậm chí tiện lợi hơn so với xe xăng”, nhà sáng lập Selex Motors khẳng định.

Ngoài ra, Selex Motors còn có hệ thống quản lý pin tập trung, kết nối Internet để quản lý từ xa nên sẽ dễ dàng thu hồi, tái chế pin khi pin không sử dụng được nữa nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường và tăng hiệu quả kinh tế.

Chiến lược thông minh

Khởi nghiệp ở một lĩnh vực mới và đầy thách thức, khó khăn là điều không thể tránh khỏi, nhưng với chiến lược thông minh, TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên không chỉ khắc phục được những khó khăn đó, mà còn biến khó khăn thành cơ hội để phát triển.

Thay vì sản xuất dòng xe máy điện di chuyển thường ngày, Selex Motors chọn đánh thẳng vào phân khúc xe máy điện chuyên dùng cho lĩnh vực giao vận.

Chia sẻ về hướng đi này, TS. Nguyên cho biết, thị trường xe điện còn rất mới, đa số người tiêu dùng chưa sẵn sàng để chuyển đổi. Trong khi đó, các doanh nghiệp giao vận luôn quan tâm đến những điều thiết thực như chi phí đầu tư, hiệu quả và vấn đề bảo vệ môi trường… Đây sẽ là những đơn vị tiên phong trong tiến trình chuyển đổi xe điện. Bên cạnh việc xác định phân khúc khách hàng tiềm năng, TS. Nguyên cũng định hướng tập trung vào thị trường tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM để dồn lực đầu tư trong giai đoạn đầu, sớm mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giao vận tin tưởng sử dụng sản phẩm là điều không dễ. Muốn chinh phục được nhóm khách hàng này, sản phẩm cần đảm bảo chất lượng, đáp ứng được đặc thù của ngành giao vận là di chuyển nhiều, tải trọng lớn.

Đối với “bài toán” di chuyển nhiều, TS. Nguyên giải quyết bằng hệ thống đổi pin, giúp xe điện có thể di chuyển nhiều và nạp năng lượng tiện lợi không thua gì xe xăng, xe máy truyền thống.

Sản phẩm ban đầu của Selex Motors là chiếc xe máy điện Selex Camel đã thể hiện rõ sự ưu việt và phù hợp với ngành giao vận với mức tải trọng lên đến 225 kg, tăng 50% năng lực chuyên chở so với các dòng xe khác.

Selex Camel được thiết kế gương xe linh hoạt, có thế kéo dài gương để tăng tầm nhìn nếu xe lắp thùng hàng to ở phía sau. Sản phẩm này giúp tiết kiệm 50% chi phí bảo dưỡng so với xe xăng, vì không sử dụng dầu nhớt cho động cơ như xe máy.

“Xe máy điện của Selex giúp tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng chi phí bảo dưỡng mỗi tháng, tạo động lực để tài xế tại các đơn vị giao vận sẵn sàng chuyển đổi hơn”, TS. Nguyên cho biết.

Đặc biệt, Selex Camel là sản phẩm xe máy điện thuần Việt, được đội ngũ Selex Motors nghiên cứu và phát triển trong hơn 4 năm với hơn 10 bằng sáng chế. 80% thành phần của chiếc xe được sản xuất trong nước, tạo niềm tin về chất lượng cho các đối tác.

Hiện tại, nhiều “ông lớn” trong ngành giao vận như Lazada Logistics, Viettel Post, GrabExpress… đã lựa chọn chuyển đổi sang sử dụng xe điện của Selex Motors.

Mục tiêu kiên định

Nguyễn Hữu Phước Nguyên sinh năm 1983, là tiến sĩ cơ khí tại Đại học Michigan (Mỹ). Khởi nghiệp từ con số 0, TS. Nguyên cùng đội ngũ Selex Motors đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có được thành công như hiện tại “Khi quyết định khởi nghiệp, tôi cùng 2 cộng sự là TS. Nguyễn Trọng Hải và anh Nguyễn Đình Quảng chỉ có chút vốn ít ỏi và được người thân, bạn bè giúp đỡ”, TS. Nguyên nhớ lại những ngày đầu gian khó.

Khi đó, để tiết kiệm, nhóm đã thuê một căn phòng 10 m2 đang chờ phá dỡ của Đại học Bách khoa Hà Nội làm trụ sở. Giai đoạn này, TS. Nguyên cùng các cộng sự đã phát triển được một số mẫu xe cùng những sản phẩm đầu tiên về pin.

“Chúng tôi tự làm tất cả, từ thiết kế, gia công cơ khí đến lắp ráp. Xe hoàn thành, được thử nghiệm, chạy… như bình thường. Hồi đó, mất nhiều tháng chúng tôi mới làm ra được một chiếc xe, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng cho một sản phẩm”, nhà sáng lập Selex Motors kể.

Khó khăn này chưa qua, “cơn sóng dữ” khác đã ập đến. Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chưa có sản phẩm ra mắt thị trường và thường xuyên trong trạng thái “3 tháng nữa hết tiền”, Selex Motors buộc phải tạm ngừng hoạt động do thuộc lĩnh vực không thiết yếu. Đội ngũ nhân sự giảm một nửa, những người ở lại cũng bị giảm lương.

Trong thời gian phòng, chống dịch, đội ngũ Selex Motors đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy rửa tay tự động giá rẻ. Sản phẩm rất hữu dụng và được thị trường đón nhận.

“Chúng tôi rất tự hào với sản phẩm này, vì tuy nhỏ, nhưng đã có đóng góp thiết thực cho xã hội trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời cũng là sản phẩm giúp Selex Motors chuyển nguy thành cơ”, TS. Nguyên nói.

Giai đoạn dịch bệnh đã tạo ra bước ngoặt cho Selex

Motors. Thời điểm đó, TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên nhận ra rằng, trong khi các hoạt động khác gần như bị đóng băng, thì hoạt động giao vận vẫn hoạt động và phát triển tốt, là một thị trường ổn định. Bởi vậy, người thuyền trưởng lại tiếp tục chèo lái, cùng đội ngũ vượt qua khó khăn, kiên định với mục tiêu đã đặt ra.

“Sự thành công hay thất bại của Công ty không phụ thuộc vào một cá nhân, kể cả chính bản thân chúng tôi, những người sáng lập, mà thuộc về tập thể, khi chúng tôi cùng chia sẻ tầm nhìn và có chung định hướng. Để tạo ra một sản phẩm tốt, không chỉ cần có những kỹ sư giỏi, mà còn cần tổng hợp nhiều yếu tố khác, nhưng thống nhất về định hướng, văn hóa, chiến lược”, TS. Nguyên khẳng định.

Hiện tại, Selex Motors đã có một nhà máy sản xuất xe máy điện tại Gia Lâm (Hà Nội) với công suất 20.000 xe và 100.000 pack pin mỗi năm. Nhà máy đã được Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông – Vận tải) cấp chứng chỉ. Đây cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được 2 “ông lớn” là LG và Samsung thẩm định, chứng nhận dây chuyền sản xuất pin, thiết kế pack pin đạt tiêu chuẩn của cả hai bên.

Để tiến trình chuyển đổi xe điện tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn, theo CEO Selex Motors, cần có lộ trình rõ ràng về yêu cầu chuyển đổi. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển chuỗi cung ứng trong lĩnh vực này, bao gồm các hỗ trợ về đất đai, thuế, phí đăng kí trước bạ cho xe điện… Đồng thời, cần có chính sách kích cầu để người dùng sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.

Chia sẻ về tầm nhìn phát triển của doanh nghiệp, TS. Nguyên cho biết, Selex Motors hướng tới trở thành một trong những công ty hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi xe điện tại Việt Nam nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung.

“Chúng tôi cũng có kế hoạch chinh phục những thị trường xa hơn, lớn hơn, như thị trường Mỹ. Tuy nhiên, để vào được thị trường này cần có những sản phẩm phù hợp hơn”, TS. Nguyên cho biết.