Đỗ Thị Kim Thông, Giám đốc Hợp tác xã Kim Thông: Sẵn sàng bán nhà để khởi nghiệp
Ở tuổi U60, bà Đỗ Thị Kim Thông vẫn tràn đầy nhiệt huyết với dự án khởi nghiệp cùng cây sachi. Bà tin rằng, không sớm thì muộn, hạt sachi của Việt Nam sẽ khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Niềm tin vào “vua của các loại hạt”
Xuất xứ từ vùng đất Nam Mỹ, hạt sacha inchi (sachi) được thế giới mệnh danh như một loại “siêu thực phẩm mới”. Hạt sachi sở hữu giá trị dinh dưỡng vượt xa so với các loại hạt óc chó, hạt điều, thậm chí hàm lượng omega-3 gấp 17 lần cá hồi, gần 50 lần dầu oliu.
Nhận thấy tiềm năng không nhỏ của loại hạt này, nhiều nông dân Việt Nam đã triển khai trồng thử cách đây vài năm. Điểm mạnh của hạt sachi là phù hợp với thổ nhưỡng các vùng đất khác nhau, ít sâu bệnh, dễ trồng, dễ chăm sóc; thời gian thu hoạch trong vòng 8 tháng và một cây có thể sống tới 20-30 năm. Nhưng tại Việt Nam, sachi vẫn còn là thực phẩm khá mới, dẫn tới khó khăn trong việc tìm đầu ra cho loại hạt được mệnh danh “vua của các loại hạt” này.
“Nhiều người đã từ bỏ giữa chừng, còn tôi vẫn đang tiếp tục con đường của mình, dù đến giờ vẫn chưa có lãi”, bà Đỗ Thị Kim Thông, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (Hợp tác xã Kim Thông) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Năm 2018, bà Thông biết đến hạt sachi sau khi con gái bà đi du lịch Peru và mang loại hạt này về làm quà. Càng tìm hiểu, bà càng nhận thấy tiềm năng dinh dưỡng quý giá của hạt sachi. Bà lặn lội đi tham khảo vùng trồng cũng như công nghệ chế biến từ khắp các quốc gia trên thế giới, quyết tâm phát triển hạt sachi theo mô hình chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Mất gần 1 năm chuẩn bị, đến tháng 4/2019, ở độ tuổi 52, bà Kim Thông chính thức thành lập Hợp tác xã Kim Thông. Trên diện tích 2 ha tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Hợp tác xã đã cùng 7 hộ gia đình trồng thử nghiệm cây sachi theo mô hình VietGap, không sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu, đồng thời chỉ thu hoạch khi quả trên cây chuyển sang màu nâu và tách vỏ ngoài.
Bà Kim Thông cho biết, ngay trong năm đầu tiên, cây sachi đã đạt năng suất lên tới 1 tấn hạt/ha. Sang đến năm thứ 2, năng suất đạt 3 tấn hạt/ha, còn từ năm thứ 3 trở đi là 5-7 tấn hạt/ha. Với tổng mức đầu tư ban đầu 100-150 triệu đồng, mỗi ha cây sachi có thể cho giá trị lên tới 350 triệu đồng.
Sau 5 năm trồng tại địa phương, giờ đây, Hợp tác xã đã mở rộng diện tích vùng trồng lên đến 500 ha, nằm rải rác tại các tỉnh Tây Nguyên và số ít ở Quảng Bình, Quảng Trị. Hợp tác xã cung cấp cây sachi giống đảm bảo chất lượng và các ưu đãi cho thành viên, đồng thời hướng dẫn quy trình canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ trồng sachi.
Nguồn hạt sachi đầu vào được trải qua quá trình chế biến bằng máy móc của Hợp tác xã, từ đó cho ra thị trường các sản phẩm như hạt sachi sấy khô, dầu sachi, trà sachi, viên nang sachi, bột dinh dưỡng sachi… Một phần khác trở thành thức ăn cho gà, để sản xuất trứng gà thảo mộc sachi.
Không ngại bán nhà để khởi nghiệp
Xác định chuyên nghiệp hóa từ vùng trồng đến sản phẩm đầu ra, ngay từ những ngày đầu thành lập Hợp tác xã, bà Kim Thông không ngại đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị dây chuyền máy móc, như máy tách vỏ, máy ép, máy rang xay, máy sấy. Bà cho biết, để có vốn khởi nghiệp, bà đã phải bán 2 căn chung cư trên phố Nguyễn Trãi (Hà Nội). “Tôi dám khẳng định, chưa có ai ở Việt Nam mất nhiều tiền với hạt sachi như tôi”, bà Thông nói.
Tuy nhiên, niềm tin và quyết tâm của bà Kim Thông đã bị thị trường đáp trả bằng sự hờ hững, lạnh nhạt. Hơn 2 năm sau đó, bà không bán được đơn hàng nào. Hạt sachi chất đống một chỗ, thậm chí phải đổ đi. Khách hàng quay lưng, người thân chì chiết, khiến bà rơi vào trạng thái mệt mỏi, đôi lúc cũng hối tiếc vì quyết định của mình.
Nhưng thay vì từ bỏ, bà vẫn quyết tâm bám trụ với cây sachi. Trong giai đoạn Covid-19, hàng hóa không bán được, bà chuyển sang nghiên cứu sản phẩm, mở rộng vùng trồng. Khi dịch bệnh qua đi, bà lại mang sản phẩm đến quảng bá tại các sự kiện thương mại trong và ngoài nước. Bà hài hước tiết lộ: “Các hội nghị đều nhẵn mặt tôi, cứ chỗ nào có hội nghị là tôi xông tới”.
Cuối năm 2022, Hợp tác xã Kim Thông nâng cấp dây chuyền sản xuất từ sấy nóng sang sấy lạnh và ép lạnh, giúp hạt sachi giữ nguyên hàm lượng omega cùng hương vị tươi ngon. Bà Kim Thông cho biết, trước đây, khi dùng công nghệ sấy nóng, hạt sachi có vị khô, kém ngậy; khách hàng mua một lần sau đó không quay lại.
Kể từ khi đổi sang công nghệ sấy lạnh, mọi chuyện cải thiện hơn nhiều. Từ chỗ chỉ tiếp cận thị trường trong nước, hạt sachi của Hợp tác xã Kim Thông đã có mặt tại Trung Quốc (gồm cả Đài Loan). Mỗi tháng, Hợp tác xã bao tiêu khoảng 60-70 tấn hạt sachi cho các thành viên. “Bây giờ, tôi không sợ gì nữa, cứ có người sẵn sàng đầu tư trồng sachi cùng tôi, có hàng là tôi bán được”, bà Kim Thông chia sẻ.
Bà cũng bày tỏ niềm tin rằng, hạt sachi Việt Nam sẽ sớm khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, bởi so với sachi của Thái Lan, Hàn Quốc, thì sachi Việt Nam được các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao, nhờ sở hữu nguồn đất nông nghiệp dồi dào và chi phí sản xuất rẻ.
Tuy nhiên, để vươn ra biển lớn, bà mong muốn những hợp tác xã như mình được Nhà nước hỗ trợ các chính sách thực tế nhằm tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó là các chính sách cho thuê đất nông nghiệp theo diện tích lớn, thay vì vùng nguyên liệu phân bố rải rác như hiện tại.
“Hiện nay, tình trạng người dân bỏ hoang diện tích đất đai đang khá phổ biến. Nhưng khi Hợp tác xã đến thuê để sản xuất nông nghiệp, thì lại ‘tấc đất tấc vàng’. Do không tìm được tiếng nói chung, Hợp tác xã không thể thuê được đất sản xuất, còn đất của người dân lại bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên”, bà Kim Thông trần tình.