Đánh thức di tích, di sản

19 giờ ngày 1-11, trái ngược với không gian tĩnh lặng như mọi ngày, cổng chính (Văn Miếu Môn) của Khu Di tích quốc gia Văn Miếu – Quốc Tử Giám có rất đông du khách, trong đó phần lớn là các bạn trẻ xếp hàng soát vé vào trải nghiệm tour đêm.

Đánh thức di tích, di sản - Ảnh 1.

Bạn trẻ trải nghiệm nghệ thuật vẽ thư pháp bằng công nghệ thực tế ảo, tự tay sáng tạo tác phẩm thư pháp tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Háo hức trải nghiệm

Chị Phan Thị Mai Hoa, sinh năm 2001, chia sẻ đây là lần thứ 3 tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhưng cảm xúc trải nghiệm du lịch về đêm thì rất đặc biệt. “Tôi ấn tượng nhất là chương trình trải nghiệm trình chiếu 3D Mapping với chủ đề “Tinh hoa đạo học”, hiểu được giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt xuyên suốt nhiều thế kỷ” – chị Hoa nói.

Trong khi đó, anh Đặng Giang cùng với các bạn của mình đang thích thú trải nghiệm nghệ thuật vẽ thư pháp bằng công nghệ thực tế ảo, tự tay sáng tạo tác phẩm thư pháp của riêng mình. “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình được nhập vai ông đồ. Các thông tin về lịch sử của khu di tích được tiếp nhận bằng công nghệ hiện đại, không còn nhàm chán” – anh Giang cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cho biết chương trình trải nghiệm đêm (tour đêm) Văn Miếu – Quốc Tử Giám ra đời với mong muốn đem đến cho khách tham quan một diện mạo mới hoàn toàn của khu di tích, tạo nên những trải nghiệm mới, những cảm xúc khác biệt so với nội dung tham quan và khám phá ban ngày. Điểm đặc biệt của chương trình là trải nghiệm tham quan di tích thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại, thu hút thế hệ trẻ đến trải nghiệm, tìm hiểu giá trị di sản. Thông qua công nghệ để truyền đạt những ý nghĩa sâu sắc về khu di tích.

Với du khách nước ngoài, ông Kiêu cho hay các thông tin về hạng mục di tích được sử dụng công nghệ dịch ra các ngôn ngữ cơ bản để du khách đọc trước, từ đó trải nghiệm tham quan.

Trước tour đêm Văn Miếu, Hà Nội được du khách biết đến với các chương trình “Đêm thiêng liêng” – tour đêm của nhà tù Hỏa Lò, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, “Chữ Tâm, Chữ Tài” của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Đây được xem là điểm hẹn của nhiều gia đình, bạn trẻ ở Hà Nội.

Theo CEO Wondertour Lê Công Năng, tour đêm là phần quan trọng giúp tăng trải nghiệm và nguồn thu từ du lịch. Việc TP Hà Nội ra mắt loạt tour đêm để “đánh thức” các di tích là sự đầu tư đúng đắn để đa dạng dịch vụ du lịch cho du khách, đồng thời đã hài hòa được giữa “làm kinh tế” và “làm văn hóa”.

Đánh thức di tích, di sản - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài thích thú tham quan, tìm hiểu về Khu Di tích quốc gia Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Phải luôn đổi mới, sáng tạo

Theo PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), một thành phố du lịch rất cần sản phẩm du lịch về đêm. Ban ngày, khách chủ yếu đi tham quan nhưng ban đêm khả năng chi tiêu của du khách sẽ nhiều hơn. Vì vậy, việc Hà Nội phát triển các tour du lịch đêm là rất cần thiết.

Để các sản phẩm du lịch về đêm thành công, PGS Long cho rằng cần đổi mới, sáng tạo và có tính bền vững. “Bên cạnh các tour đêm thành công, tôi vẫn thấy có tour chỉ phát triển trong vài tháng là dừng vì du khách không còn mặn mà. Bởi vậy, muốn phát triển tour hiệu quả, cần sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch, họ là người hiểu thị hiếu của khách hàng nhất”.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, cho hay phát triển thêm những sản phẩm trong các khu di tích, di sản luôn được thành phố tập trung đẩy mạnh. Sau quãng thời gian “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giờ là thời điểm các ban quản lý thể hiện tính năng động của mình trong việc xây dựng sản phẩm.

Ông Hiếu nhìn nhận tour đêm của Hà Nội cần phát triển mạnh hơn để đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của mỗi đối tượng du khách. “Các tour đêm trong khu di tích giúp khai thác giá trị văn hóa, lịch sử to lớn. Tuy nhiên, tour đêm cũng cần gắn với thị trường, bảo đảm tính hiệu quả”.

Ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh nếu công nghệ không đủ hấp dẫn, du khách chỉ trải nghiệm một lần rồi thôi, đồng thời gia tăng hoạt động mua sắm, ăn uống trong lộ trình tour nhằm tạo thêm nhiều cảm giác trải nghiệm cho du khách.

Về định hướng, Hà Nội tiếp tục khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Đồng thời, thành phố tiếp tục nghiên cứu giải pháp để phát triển các tour du lịch sau 12 giờ đêm, vấn đề này đã được đề cập trước dịch COVID-19 nhưng đến nay triển khai còn gặp khó khăn, do liên quan tới quy hoạch cũng như bảo đảm các dịch vụ không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

CEO Wondertour Lê Công Năng nhìn nhận nếu ban ngày, khách du lịch thông thường sẽ chi tiêu ấn định thông qua mua tour trọn gói thì buổi đêm sẽ là thời gian để du khách thỏa sức chi tiêu. Khi đó, du lịch đêm sẽ đóng vai trò quan trọng, gián tiếp tạo nguồn thu cho nhiều ngành nghề khác.

Để phát triển kinh tế đêm, Việt Nam cần xem đây là một dòng sản phẩm chủ lực trong du lịch để tập trung phát triển và khai thác bền vững.