Chờ hành động quyết liệt

Kết quả khảo sát do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) thực hiện cho thấy lực cầu suy yếu, lạm phát cao, gánh nặng nợ tạo nên khó khăn thực sự cho nhiều doanh nghiệp. Tình trạng đơn hàng sụt giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp bị tăng tồn kho ngoài dự kiến, ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh.

Doanh nghiệp công nghiệp trong một số ngành (vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, gỗ…) vẫn trong tình trạng khan hiếm đơn hàng; doanh nghiệp nông nghiệp khó vay vốn; doanh nghiệp du lịch, khách sạn hoạt động với công suất thấp trong khi doanh nghiệp thương mại cũng khó khăn do mãi lực thị trường yếu. Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản thì hầu hết khó khăn do nợ nần chồng chất, không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu, không tiếp cận được các dự án đầu tư công. Kết quả là hàng loạt đơn vị xây dựng, bất động sản nhỏ lâm vào tình trạng phá sản.

Từ bức tranh kinh tế TP HCM, nhìn rộng ra phạm vi cả nước, có thể thấy để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất khó. Chúng ta nỗ lực tối đa để đạt được tăng trưởng tốt nhất chứ không thể đạt như kế hoạch đầu năm đề ra.

Giữa bối cảnh cầu thị trường chung trên toàn thế giới còn yếu, bất ổn chính trị trên Dải Gaza gia tăng, bức tranh kinh tế đã xuất hiện những điểm sáng rải rác trong một số lĩnh vực nhưng chưa đủ thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ. Động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn ở thị trường nội địa. Trong đó, kích cầu đầu tư công là giải pháp để bù đắp cho sự bất ổn bên ngoài và sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất. 

Chỉ còn khoảng 60 ngày để TP HCM phấn đấu giải ngân đầu tư công tiệm cận chỉ tiêu 95% trong năm 2023. Vì vậy, cần đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công, tiếp tục giải quyết các thủ tục giấy tờ để doanh nghiệp có thể triển khai dự án; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án đầu tư công nhằm nhanh chóng hoàn thành dự án, gia tăng khả năng phát triển doanh nghiệp, góp phần lan tỏa vốn đến toàn bộ nền kinh tế thành phố.

Ở góc độ doanh nghiệp, với những khó khăn trước mắt, doanh nghiệp một mặt nỗ lực xoay xở, mặt khác rất trông chờ vào những quyết sách và chương trình hành động của Chính phủ, bộ, ngành trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy đầu tư, sản xuất, tiêu thụ ở thị trường nội địa. Kéo dài thời gian áp dụng giảm 2% thuế suất thuế GTGT, đẩy mạnh chương trình bình ổn thị trường… sẽ là những giải pháp kích cầu mang tính dài hơi góp phần tạo sức bật cho mua sắm, tiêu dùng các tháng cuối năm.

Hiện đã có nghị quyết của HĐND về chương trình cho vay kích cầu đầu tư, nếu thành phố sớm triển khai chương trình thì trong vòng 3 tháng tới có thể kích hoạt chương trình, giải ngân cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đã đăng ký.

Cộng đồng doanh nghiệp tin rằng với sự quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, chính quyền và sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết, vượt khó của các doanh nghiệp, TP HCM và cả nước nói chung sẽ tăng tốc phục hồi và phát triển, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao trong các tháng còn lại của năm 2023. 

TS Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM)