Cần tiếp tục giảm thuế, tăng đầu tư công

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 2-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024…

Tăng hiệu quả đầu tư công

Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, cho rằng để kế hoạch về đích với hiệu quả và kết quả cao nhất, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính thị, giải pháp đồng bộ. Chính phủ cần rà soát, đánh giá tiến độ cụ thể, khả năng thực hiện của các dự án trong giai đoạn 2021 – 2025. Từng dự án phải xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện một cách chi tiết, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra.

Theo bà Lệ, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư các dự án là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với việc này, bà Lệ đề nghị tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp gắn với quy chế quản lý, giám sát chặt chẽ như nhiều địa phương đã đề xuất. Chính phủ cũng cần hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thị trường thực tế, cũng như có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng chỉ rõ việc thực hiện vốn đầu tư công còn bộc lộ nhiều hạn chế, như công tác lập kế hoạch chưa sát; một số cơ quan, địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn nên tình trạng đề xuất trả lại vốn vẫn còn; nhiều dự án do lập, thẩm định, phê duyệt kéo dài, chưa sát thực tiễn nên phải điều chỉnh nhiều lần.

Về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024, tổng vốn đầu tư công theo nhu cầu lớn nhưng dự kiến kế hoạch đáp ứng được trên 88% nhu cầu tổng vốn đầu tư công năm 2024, thấp hơn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 34.336 tỉ đồng, trong khi tổng thu ngân sách tăng. Do vậy, ĐB Tiến đề nghị cân nhắc bảo đảm vốn đầu tư công năm 2024 tăng hoặc bằng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nhằm tăng vốn đầu tư công, hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi đó, ĐB Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đánh giá vẫn còn một số vấn đề lớn của nền kinh tế có liên quan đến đầu tư công, đó là tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, doanh nghiệp không đạt mục tiêu cả về chất lượng và số lượng. Vì thế để tăng hiệu quả đầu tư công, kích hoạt nhanh và sớm đầu tư, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong giai trong dài hạn, cần tăng bội chi nhằm thực hiện một số dự án đầu tư công có tác động lớn tới đầu tư chung của nền kinh tế.

Cần tiếp tục giảm thuế, tăng đầu tư công - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, phát biểu tại phiên thảo luậnẢnh: PHẠM THẮNG

Cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững

Thảo luận về các vấn đề tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng nếu chúng ta không có những chính sách mới, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn thì khó đạt được mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 – 5.000 USD. Chính vì vậy, ông Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục miễn giảm thuế, phí trong thời gian tới với liều lượng cao hơn và đối tượng mở rộng hơn. Cụ thể như việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên áp dụng cho tất cả hàng hóa, dịch vụ. Đối với gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng thương mại, hiện nay chỉ mới giải ngân được khoảng 1.000 tỉ đồng, nên cần bổ sung vào quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận nguồn vốn.

Trong quá trình thảo luận tại hội trường về ngân sách, nhiều ĐB phản ánh khó khăn của doanh nghiệp trong hoàn thuế GTGT. ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) nêu những ách tắc, tồn đọng hoàn thuế GTGT khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Tính đến ngày 7-6-2023, số tiền thuế GTGT của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn đến nay là 6.100 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức đã có phát biểu, làm rõ một số ý kiến được ĐB Quốc hội nêu. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin thêm trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội giảm các loại thuế, dự kiến năm nay giảm khoảng 200.000 tỉ đồng. Sau khi giảm thuế, để tiếp tục giữ cán cân tài khóa, phải đưa vào nền kinh tế 347.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng để hoàn thành các nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2023 và dự toán năm 2024 cũng như kế hoạch 5 năm, cần hoàn thiện thể chế thu, chi ngân sách; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước; không để xảy ra tình trạng nợ đọng đầu tư.

Hôm nay (3-11), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Phải xem thiếu vắc-xin là tình huống cấp bách

ĐB Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, bày tỏ băn khoăn vấn đề cơ chế đặc thù cho mua sắm vắc-xin trong bối cảnh hiện nay và nhấn mạnh thiếu vắc-xin là một vấn đề rất nghiêm trọng. Dẫn ví dụ tại Hà Nội, đến tháng 11-2023, có 5/10 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ, bà Hà kiến nghị: “Chính phủ cần coi đây là tình huống cấp bách, để đưa ra các giải pháp có tính đặc thù, đặc cách như tinh thần tại Nghị quyết 80 của Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19, để mua vắc-xin ngay nhằm bảo đảm cho trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch”.